Ngày 3-6, Việt Nam ghi nhận thêm 250 ca mắc Covid-19. Trong đó, 19 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 231 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (145), Bắc Ninh (44), TP HCM (30), Hà Nội (6), Lạng Sơn (3), Long An (2), Hải Dương (1). 228 ca mới được phát hiện trong số này đều đã cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa.
Cấp bách nhập vắc-xin, chấp nhận giao không đúng hẹn
Tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra chiều 3-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết đến nay, Việt Nam đã đàm phán và đặt mua 170 triệu liều vắc-xin Covid-19. Do vắc-xin được nhập khẩu trong tình huống khẩn cấp, nguồn cung chưa đủ nên Việt Nam phải chấp nhận các điều kiện của nhà sản xuất như: không giao hàng đúng hẹn, phải ký cam kết miễn trừ trách nhiệm nếu xảy ra các phản ứng khi tiêm.
Chính phủ có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp tìm kiếm nguồn, đủ điều kiện nhập khẩu để nhập khẩu. Theo đó, có 2 cách để doanh nghiệp tham gia việc mua vắc-xin, một là đóng góp tiền cho quỹ vắc-xin vừa được thành lập, hai là trực tiếp nhập khẩu vắc-xin từ nguồn rất tin cậy.
Về kiểm soát chất lượng, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết vì nhập vắc-xin trong điều kiện khẩn cấp nên một số nội dung chưa kiểm định được. Để bảo đảm chất lượng, cần đàm phán, mua trực tiếp từ nhà sản xuất, không qua các công ty trung gian.
Cùng ngày, Bộ Y tế có quyết định về việc phân bổ vắc-xin Covid-19 đợt 4, đó là vắc-xin của AstraZeneca. Vắc-xin được phân bổ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của 22 tỉnh, thành phố. CDC Hà Nội được phân bổ 20.000 liều, CDC tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh được phân bổ mỗi địa phương 50.000 liều, CDC tỉnh Hải Dương được phân bổ 17.600 liều, CDC TP Hải Phòng 8.300 liều, CDC TP Cần Thơ được 10.000 liều... Ngoài ra, vắc-xin cũng được phân bổ cho 9 đơn vị như: Bệnh viện (BV) E được 7.000 liều, BV Nhi trung ương được 5.000 liều, Viện Pasteur TP HCM 6.000 liều… 11 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được phân bổ 1.250 liều trong đợt này.
Hiện cả nước đã thực hiện tiêm vắc-xin Covid-19 đợt 1 và 2 với 1.110.111 liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 là 31.177 người.
PGS-TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học (Học viện Quân y), cho biết việc thử nghiệm vắc-xin Covid-19 Nano Covax giai đoạn 3 của Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 6 này, tiêm thử nghiệm trên 13.000 tình nguyện viên. Sau 4 ngày thông báo, hiện đã có khoảng 2.000 người đăng ký tham gia.
"Nếu dịch Covid-19 bùng phát trong nước, Hội đồng Đạo đức Bộ Y tế sẽ đề nghị Chính phủ cấp phép tiêm cho người dân. Năng lực sản xuất vắc-xin của Việt Nam hiện nay là 6 triệu liều/tháng" - PGS Chử Văn Mến nói.
Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), trao đổi về các ca bệnh nặng từ Bắc Giang. Ảnh: C.T.V
Nhiều bệnh nhân Covid-19 trẻ tuổi nguy kịch
Các chuyên gia của Tiểu ban Điều trị và Hội đồng chuyên môn trong cả nước ngày 3-6 đã hội chẩn các ca bệnh Covid-19.
Hiện các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại 98 cơ sở y tế trên cả nước. Trong đó, số ca bệnh điều trị nhiều nhất tập trung tại Bắc Giang, tiếp đến là BV Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (TP Hà Nội). 123 trường hợp tiên lượng nặng, 100 bệnh nhân nặng thở ôxy gọng kính, 29 bệnh nhân nặng thở máy không xâm nhập; 29 bệnh nhân nguy kịch, thở ôxy xâm nhập; 7 bệnh nhân đang can thiệp ECMO.
Nhiều bệnh nhân Covid-19 trẻ tuổi bệnh trở nặng rất nhanh. Nam sinh viên 22 tuổi, quê Long An là một trong số 5 bệnh nhân nặng và nguy kịch đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực BV Bệnh nhiệt đới TP HCM. Bệnh nhân bị tổn thương phổi rất nặng với hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), tổn thương gan nặng. Ngày 1-6, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân thở máy, lọc máu bằng màng lọc và can thiệp ECMO.
Bệnh nhân này có tình trạng tiểu cầu rất thấp dù đã truyền nhiều tiểu cầu. GS-TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, cùng các chuyên gia nhận định bệnh nhân này diễn biến nặng không kém phi công người Anh (bệnh nhân 91) và bị béo phì (nặng 110 kg). Lãnh đạo BV Bệnh nhiệt đới TP HCM cho rằng nam sinh không thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng có thể do độc tính của virus khiến tình trạng sức khỏe diễn biến xấu rất nhanh.
Về tình hình bệnh nhân Covid-19 ở Bắc Giang, BS Trần Thanh Linh, Đội trưởng Đội phản ứng nhanh BV Chợ Rẫy (TP HCM) đang tăng cường cho BV Phổi Bắc Giang, nhận định trong 6 ngày qua, ngoài 2 ca đặt ECMO, anh còn tiếp nhận 3 ca phải thở máy, lọc máu liên tục, 7 ca thở ôxy dòng cao.
"Những ca bệnh của Bắc Giang khiến chúng tôi chịu căng thẳng và áp lực hơn vì bệnh nhân nặng tăng nhanh và các bệnh nhân còn quá trẻ. Nếu số lượng người mắc vẫn gia tăng thì số lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng" - BS Linh nói.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết thống kê cho thấy trong đợt dịch này khoảng 80% người mắc Covid-19 tại Việt Nam ít có triệu chứng. Tuy nhiên, chúng ta luôn phải cảnh giác ngay cả với những người ít triệu chứng. Các bệnh nhân này phải được đưa vào điều trị ở những nơi bảo đảm cách ly an toàn, theo dõi sát sao.
Xử phạt các nhóm tụ tập hát karaoke, ăn nhậu
Sáng 3-6, UBND TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) cho biết vừa ban hành thông báo thu hồi giấy phép kinh doanh và tạm dừng hoạt động đối với thẩm mỹ viện Minh Châu Asian Luxury đóng tại 42 Nguyễn Công Trứ, phường 1, TP Bảo Lộc do bà Lê Ngọc Hoàng Thy (SN 1979; ngụ phường Linh Tây, TP Thủ Đức, TP HCM) làm chủ. Hôm 1-6, thẩm mỹ viện này tổ chức chương trình ca nhạc với hơn 31 người tụ tập đến từ nhiều tỉnh, thành phố mà chưa khai báo y tế; trong đó có một số diễn viên nổi tiếng.
Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường 8, ngày 3-6 cho biết đã đề xuất UBND TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau xử phạt 15 triệu đồng/người đối với nhóm người không áp dụng biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Trước đó, tối 2-6, nữ chủ quán và 5 khách tập trung ăn nhậu, hát karaoke bằng loa kẹo kéo tại quán nhậu Huyền Cát Tường và chống đối lực lượng chức năng khi bị nhắc nhở.
Đ.Thi - V.Du
Bình luận (0)