Mấy ngày qua, anh Nguyễn Văn Luận (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) đứng ngồi không yên với vườn thanh long hơn 8 tấn đang chín trên cây. "Hai ngày nữa là trái chín đều rồi mà thương lái chỉ trả được 1.500 đồng/kg. Thanh long trước giờ có lúc hạ lúc tăng, nhưng đa phần giá chạm đáy ở lứa chính vụ, còn lứa nghịch vụ thì tôi chưa bao giờ thấy giá thê thảm như lúc này" - anh Luận cho biết.
Lỗ trắng, mất vụ Tết
Theo tính toán của người trồng, mỗi ký thanh long nghịch vụ phải bán được giá từ 7.000 - 10.000 đồng/kg mới hòa vốn, do chịu chi phí đầu tư phân thuốc và tiền điện chong đèn. Vì vậy, với mức giá thu mua từ 1.000 - 2.000 đồng/kg như hiện nay, người trồng coi như lỗ trắng, mất vụ Tết. "Tháng chạp là thời điểm nông dân canh cây ra trái chín nhiều nhất, là cao điểm vụ Tết. Vậy mà gặp giá mua kiểu này thì bà con chỉ có thua lỗ" - anh Nguyễn Đức Nam, xã Mương Máng, huyện Hàm Thuận Nam, nói.
Hiện giá thu mua thanh long tại Bình Thuận đang ở mức từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, thậm chí có nơi chỉ mua với giá 500 đồng/kg nếu trái không đẹp. Mức giá này còn thấp hơn chi phí trả nhân công cắt hàng (600 đồng/kg). Theo chị Hà - một thương lái thu mua tại huyện Hàm Thuận Bắc, do xuất khẩu tiểu ngạch bằng đường bộ qua cửa khẩu phía Bắc bị ách tắc, các vựa đang dội hàng nên giá thu mua hạ rất nhanh. "Mới đầu tháng giá còn mức 5.000 - 6.000 đồng/kg, giờ chỉ còn 500 - 1.000 đồng/kg và ngon lắm là gần 2.000 đồng/kg. Giá thấp vậy nhưng thương lái có mua cũng phải lựa hàng đẹp, vì mua chỉ xuất qua đường biển nên cần trái dày, tai xanh, cứng" - chị Hà cho biết.
Chế biến các sản phẩm đa dạng góp phần giải quyết phần nào sản lượng thanh long khi vào mùa thu hoạch rộ. Ảnh: MINH SƠN
Tuy nhiên, việc xuất hàng đi đường biển cũng nhỏ giọt do chi phí tăng cao, thiếu vỏ container. "Các doanh nghiệp (DN) đang tìm cách xuất khẩu thanh long bằng tuyến biển nhưng trước đây, cước phí mỗi container chỉ khoảng 60 - 70 triệu đồng thì nay đội lên gần 200 triệu đồng/container" - ông Huỳnh Cảnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, cho biết.
Hiện tỉnh Bình Thuận có 111 cơ sở thu mua thanh long với sức chứa kho lạnh khoảng 16.000 tấn. Trong khi đó, theo thống kê chưa đầy đủ, Bình Thuận dự kiến có khoảng 120.000 tấn thanh long sẽ thu hoạch trong tháng 2 tới (tháng cao điểm Tết). Để giảm bớt khó khăn cho người nông dân, các vựa thu mua tại Bình Thuận đang tìm kiếm kênh tiêu thụ trong nước bằng thị trường chợ truyền thống, siêu thị ở các tỉnh, thành nhưng số lượng không nhiều.
Hướng đến những thị trường lớn hơn
Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Long An, cho biết ngành công thương phối hợp UBND huyện Châu Thành, Hiệp hội Thanh long Long An và một số DN tìm hướng giải quyết. Trước mắt một số DN đã hủy đơn đặt hàng với thương lái phải hỗ trợ 3.000 đồng/kg khi không lấy hàng thanh long. Ngoài ra, huyện cũng đang nỗ lực tìm các giải pháp cho người trồng thanh long.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, cho biết sở đã hỗ trợ Hiệp hội Thanh long Long An tiếp thị thêm sản phẩm tại những DN, đơn vị có chuỗi siêu thị, cửa hàng lớn trên cả nước, cũng như các chợ đầu mối, trung tâm thương mại...
Nói về giải pháp lâu dài và bền vững cho việc phát triển nông sản địa phương, ông Cao Tấn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, cho biết hướng tới là tạo được sản phẩm có giá trị để tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như vượt qua những rào cản kỹ thuật của các hiệp định thương mại nhằm hướng đến những thị trường tiêu thụ lớn hơn thông qua con đường xuất khẩu chính ngạch. "Ngoài ra, địa phương cũng kêu gọi và khuyến khích các DN chế biến đầu tư xây dựng những nhà máy sản xuất chế biến các sản phẩm đa dạng từ nông sản để góp phần giải quyết phần nào sản lượng khi vào mùa thu hoạch" - ông Hưởng nói.
Ông Huỳnh Ngọc Có, Giám đốc Công ty CP Khoai lang Nhật Thành, thông tin đối tác mua hàng thông báo tạm dừng đơn hàng 10 container mít và khoai lang bằng đường biển. "May là chúng tôi chưa cắt hàng, chưa đặt tàu nên chưa bị thiệt hại. Xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng khó khăn nên chúng tôi đang tìm kiếm đối tác Mỹ, Úc và liên kết với nông dân sản xuất theo quy trình của họ để có thêm thị trường" - ông Có cho hay.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, cho rằng những ách tắc khi xuất khẩu nông sản thực phẩm sang Trung Quốc không chỉ do chính sách "zero Covid" mà quan trọng hơn là những thay đổi về tiêu chuẩn nhập khẩu bắt buộc các nước xuất khẩu như Việt Nam phải tuân theo nếu muốn giữ thị trường. Ngoài ra, một số mặt hàng như: mít tươi, thanh long cũng đang vượt cầu nên khó tiêu thụ là điều dễ hiểu.
Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An Nguyễn Quốc Trịnh cho hay không phải Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu mà do lượng hàng bị dồn ở các cảng quá nhiều nên phải điều tiết lại để phù hợp với khả năng thông quan. "Do ảnh hưởng Covid-19 nên nông dân sản xuất không nhiều như mọi năm nhưng khi thông tin về lượng thanh long lớn cần tiêu thụ khiến thương lái ép giá, người trồng rất khó khăn" - ông Trịnh đánh giá.
Đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội địa
Ngày 10-1, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết để tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ thanh long, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh vùng trồng thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương lưu ý việc quản lý chặt chẽ để bảo đảm quy trình sản xuất an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 từ khâu trồng, thu mua, bao gói, phân loại tới khâu vận chuyển để xuất khẩu.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo các DN chế biến rau quả tăng cường thu mua lượng thanh long tươi đang tồn đọng tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang… để chế biến thành sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT, các địa phương để triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ trong nước đối với quả thanh long cũng như các mặt hàng trái cây khác đang vào vụ thu hoạch. Đặc biệt, sẽ giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh đề nghị các thương nhân, DN tạm dừng đưa hàng lên biên giới để tránh phát sinh thêm thiệt hại. Đồng thời, hướng dẫn các nhà vườn, HTX và DN điều chỉnh kế hoạch sản xuất và tiến độ thu hoạch phù hợp. Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương khuyến khích các DN có kho lạnh trên địa bàn cho thương lái, DN xuất khẩu gửi tạm trữ thanh long chờ tiêu thụ; có cơ chế hỗ trợ các DN để tăng thu mua thanh long cho nhà vườn.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị ngành nông nghiệp 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có những phương án, giải pháp phối hợp, tạo điều kiện để các DN tháo gỡ khó khăn ngay tại địa phương cho bà con nông dân. "Sắp tới dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu về hàng hóa tại thị trường nội địa tăng cao, cần phải tăng cường kết nối giữa người sản xuất với những nhà bán lẻ" - ông Nam nói.
Ngày 10-1, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, NN-PTNT tiếp tục tổ chức các hoạt động ngoại giao tương ứng với cơ quan chức năng của Trung Quốc (trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm…) để tạo điều kiện, thống nhất thời gian mở cửa; tăng thời gian làm việc tại khu vực cửa khẩu; mở lại một số cửa khẩu đã đóng…
Cùng ngày, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã chính thức khôi phục thông quan tại các cửa khẩu, lối mở biên giới tại TP Đông Hưng (phía Việt Nam là TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, gồm: cầu Bắc Luân 1, cầu Bắc Luân 2 và cầu phao Km 3+4). Theo Bộ Công Thương, sau khi Trung Quốc khôi phục thông quan, nước bạn sẽ ưu tiên xử lý hàng tồn đọng tại cửa khẩu, đặc biệt là nông sản và hàng đông lạnh.
T.Dũng
Bình luận (0)