Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15-8 là hạn cuối để các bộ - ngành trình phương án cắt bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ - ngành đã "chạy đua" để hoàn thành việc tháo bỏ các nút thắt về kinh doanh này.
Mỗi bộ bỏ hàng trăm điều kiện
Ngày 15-8, bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết bộ đã trình Chính phủ Nghị định về cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD với gần 60% trong tổng số 212 ĐKKD. Bà Dung khẳng định thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, bộ đã rốt ráo thực hiện để hoàn thành đúng tiến độ.
Các bộ "chạy đua" để trình Chính phủ cắt giảm điều kiện kinh doanh
Đến nay, Bộ Tài chính đã đề xuất cắt giảm 51,4% tổng số ĐKKD. Song song đó, bộ triển khai sửa đổi, bổ sung 16 nghị định thuộc nhiều lĩnh vực như kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán, thẩm định giá, hải quan, kế toán, kiểm toán… Đối với lĩnh vực kế toán, bộ bãi bỏ 3 điều kiện đối với cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới; 2 điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Theo đó, người đại diện phần vốn góp của tổ chức tại công ty TNHH kiểm toán sẽ không cần điều kiện là kiểm toán viên hành nghề.
Bộ Xây dựng cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong đó bãi bỏ 5/17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện; đơn giản hóa 43,7% trong tổng số 215 ĐKKD. Bộ đang tiếp tục rà soát để tiếp tục đề xuất bãi bỏ 4 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cắt giảm 243/345 ĐKKD (chiếm hơn 70%). Kết quả đến thời điểm này, bộ đã trình Chính phủ cắt giảm 186 điều kiện, đạt hơn 53%. Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ NN-PTNT, những ĐKKD còn lại nằm trong kế hoạch cắt giảm, bộ sẽ thực hiện từ nay đến hết năm 2018.
Làm thực chất
Trước một số ý kiến lo ngại việc đơn giản hóa, cắt giảm ĐKKD chỉ làm hình thức, đối phó, bà Nguyễn Thị Kim Anh khẳng định quan điểm của Bộ NN-PTNT là việc cắt giảm không phải "làm cho xong" mà yêu cầu phải minh bạch, rõ ràng, thực chất, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, doanh nghiệp (DN) hoạt động. Bà Kim Anh dẫn chứng trước đây, quy định vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật phải có giấy phép. Qua rà soát, bộ nhận thấy mặt hàng này đã được đóng bao bì, ghi rõ các thông tin liên quan nên quy định phải cấp phép là không cần thiết, phải bãi bỏ. "Quá trình rà soát để cắt giảm, các cơ quan quản lý nhà nước đều kiểm soát lẫn nhau, nhiều hiệp hội cùng giám sát việc này. Các DN khi tham gia góp ý xây dựng nghị định cũng đều có nhiều ý kiến rất sâu. Đồng thời, có nhiều kênh phản biện về việc cắt giảm này. Khi các hiệp hội, DN có ý kiến phản biện, bộ có trách nhiệm phải giải trình nên không thể làm đối phó được" - bà Kim Anh nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng những ĐKKD nào không cần thiết, gây trở ngại cho DN thì nhất thiết phải loại bỏ. Chẳng hạn, đối với quy định tổ chức Việt Nam thành lập công ty TNHH bảo hiểm, Bộ Tài chính đã bỏ điều kiện "DN phải hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm", để mở rộng ra các lĩnh vực; kèm theo đó là bỏ điều kiện về kinh nghiệm đối với đại lý bảo hiểm. Những ĐKKD trong lĩnh vực chứng khoán cũng được "cởi trói" khi điều kiện về vốn điều lệ tối thiểu đối với nghiệp vụ tự doanh chứng khoán từ tối thiểu 100 tỉ đồng xuống còn 50 tỉ đồng. Ngoài ra, điều kiện về số năm kinh nghiệm đối với tổng giám đốc của tổ chức kinh doanh chứng khoán không còn khắt khe như trước, giảm từ 3 năm xuống còn 2 năm...
Tỉ lệ cắt giảm kiểm tra chuyên ngành đạt thấp
Theo báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng, tính đến hết tháng 7, vẫn còn khoảng 2.363 ĐKKD của 14 bộ - ngành đã có phương án cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, chiếm 40% các điều kiện. Về kết quả cắt giảm, Bộ Công Thương dẫn đầu với việc cắt giảm 675 ĐKKD trong tổng số 1.216 điều kiện được cắt giảm, đạt 55,5%.
Liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tính đến tháng 8-2018, các bộ - ngành chỉ mới đơn giản hóa được 606/9.339 mặt hàng, đạt 6,5% danh mục. Hiện vẫn còn 832 danh mục nằm trong số dự kiến cắt giảm (chiếm 8,7%) chưa có văn bản hướng dẫn, thuộc trách nhiệm của 6 bộ. Tỉ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm kiểm tra chuyên ngành vẫn đạt thấp so với yêu cầu đặt ra, chỉ khoảng 15,1%.
Bình luận (0)