Hồi chuông báo động về tình trạng sạt lở tại ĐBSCL khiến cuộc sống người dân điêu đứng có nguyên nhân từ tận thu cát sông bao năm nay từng được Báo Người Lao Động nhiều lần đề cập.
Chỉ riêng tháng 8-2023 này, bức tranh xà xẻo vô tội vạ tài nguyên ấy tiếp tục bị dặm lên những màu xám khi Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí cùng 17 đồng phạm, trong đó có nhiều cán bộ, bị khởi tố. Ít ngày sau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này, ông Trần Anh Thư, "xộ khám" cũng do nhận tiền để dung túng doanh nghiệp hành hạ đáy sông Tiền.
Cát sông đã "nhấn chìm" nhiều cán bộ biến chất. Không chỉ ở An Giang, tại Đồng Tháp, kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vi phạm về quản lý, khai thác cát ở địa phương này.
Kết luận chỉ rõ trách nhiệm thuộc về lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Sở Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, cá nhân liên quan.
"Qua quá trình kiểm điểm, xử lý, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra xem xét theo thẩm quyền" - Thanh tra Chính phủ dứt khoát.
Một thực tế là tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cát, được dùng để phục vụ kinh tế - xã hội nói chung, quyền thụ hưởng cuộc sống tốt đẹp của người dân nói riêng. Tuy nhiên, khai thác bền vững khác với kiểu "cào cấu" tận diệt, triệt tiêu khả năng phục hồi, gây nên hệ lụy đáng tiếc. Vì thế, nhà nước đã đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt về quản lý, khai thác cát sông và tài nguyên nói chung.
Để người dân hiện nay và những thế hệ mai sau không phải "trả giá thay" cho những hành động phi pháp liên quan việc tận thu tài nguyên, cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành công an, cần làm nghiêm, xử mạnh như đang quyết liệt với những hành vi "trục lợi quyền lực" trong vụ án Việt Á, chuyến bay giải cứu…
Vì món lợi trước mắt mà bắt đất nước gánh hậu quả dài lâu thì hành vi ấy phải bị trừng trị, nói không quá là "triệt xóa", "tiêu diệt"!
Bình luận (0)