Trước khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm liên quan việc cấp phép khai thác cát, UBND tỉnh An Giang đã cấp 22 giấy phép khai thác khoáng sản. Trong đó, 16 giấy phép khai thác cát làm vật liệu san lấp. Đến nay, UBND tỉnh An Giang đã thu hồi 10 giấy phép khai thác cát.
Người dân bức xúc
Cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí từng nhấn mạnh: "Ngành chức năng đã lắp đặt camera, thiết bị định vị các hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp để tránh tình trạng lấy cát ngoài phạm vi cho phép, bơm hút cát trong đêm, đồng thời công khai rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người dân giám sát".
Tuy nhiên, sau phát biểu này không lâu, Công ty CP Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 bị phát hiện khai thác cát vượt sản lượng cho phép và "tuồn" ra bán bên ngoài dự án. Liên quan vụ việc này, ông Trí đã bị khởi tố tội "Nhận hối lộ", hàng loạt cán bộ quản lý TN-MT khác bị khởi tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Một mỏ khai thác cát ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang khiến người dân bức xúc. Ảnh: VĨNH KỲ
Tình trạng khai thác cát dẫn đến sạt lở xảy ra từ nhiều năm nay ở An Giang khiến người dân rất bất bình. Vài năm trước, người dân ở cồn Cũ, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới bức xúc việc nhiều xáng cạp lấy cát trên đoạn sông Tiền. Khi đó, cồn Cũ có diện tích khoảng 48 ha với hơn 200 hộ dân sinh sống. Do cồn nằm ở ngã ba sông nên năm nào cũng bị xói lở. Khi xáng cạp đến lấy cát, cả xóm chạy ghe ra ngăn cản. Song, cát vẫn bị khai thác để hoàn thành dự án nạo vét rạch Cù lao Giêng, huyện Chợ Mới.
Đáng nói, cách đó không lâu, trên địa bàn huyện Chợ Mới đã xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng ở sông Vàm Nao. Hơn 16 căn nhà đã rơi xuống sông và hơn 100 hộ dân bị ảnh hưởng.
"Nóng" ở khu vực giáp ranh
Tại Vĩnh Long, 39 mỏ khai thác khoáng sản (cát sông) đã được cấp phép và gia hạn giấy phép hoạt động trên các sông Tiền, Hậu và Cổ Chiên. Qua kiểm tra, 19 khu vực mỏ đã ngưng hoạt động do giấy phép khai thác hết hạn.
Bên cạnh các mỏ được cấp phép, trên sông Tiền và sông Cổ Chiên vẫn xảy ra tình trạng khai thác cát sông trái phép, chủ yếu ở khu vực giáp ranh giữa Vĩnh Long với Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh. Các đối tượng hoạt động vào ban đêm, thuê người cảnh giới, liên tục thay đổi thời gian hút cát, thông tin cho nhau khi phát hiện lực lượng tuần tra.
Cách đây mấy năm, người dân xã Phú Thành, huyện Trà Ôn và xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long phát hiện một tàu trọng tải lớn hút trộm cát ở khu vực sông giáp ranh nên đã huy động người ở 2 địa phương dùng phương tiện chạy ra ngăn cản. Tuy nhiên, nhóm "cát tặc" đã cầm tuýp sắt và xà beng nhào ra tấn công. Vụ việc chỉ dừng lại khi người dân gọi điện thoại báo công an.
Dù ngành chức năng vẫn thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều vụ khai thác cát trái phép nhưng tình trạng này vẫn diễn ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi do nguồn lợi quá lớn. Một nhà thầu xây dựng tại TP Cần Thơ cho biết cát mua tại mỏ dao động 40.000 - 55.000 đồng/m3 nhưng khi xuất bán ra thị trường có giá trung bình 180.000 - 200.000 đồng/m3.
Theo thống kê của Thủy đoàn II, Cục CSGT - Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã phối hợp với lực lượng chức năng các địa phương trực tiếp xử lý 5 vụ việc liên quan các đối tượng cùng phương tiện có hành vi khai thác, vận chuyển cát với nhiều sai phạm.
Phối hợp xử lý
Theo Sở TN-MT TP Cần Thơ, đến hết tháng 5-2023, 2 công ty được cấp đăng ký phương tiện khai thác cát san lấp trên sông Hậu là Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ - Xây dựng Minh Khang và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sông Hậu.
Ông Phạm Nam Huân, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Cần Thơ, cho biết sở công bố thông tin tất cả phương tiện khai thác cát trên website của đơn vị về số hiệu, tọa độ, diện tích...
Sở TN-MT TP Cần Thơ còn gửi thông tin đến cơ quan công an, chính quyền địa phương các tỉnh giáp ranh để cùng giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi khai thác cát trái phép. "Vài năm gần đây, các phương tiện được cấp phép khai thác cát không có vi phạm" - ông Huân khẳng định.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện 8 vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép. Đơn vị này còn phối hợp với Thanh tra Sở TN-MT kiểm tra 8 khu vực mỏ khai thác cát sông, phát hiện và xử phạt 2 trường hợp khai thác vượt ngoài ranh giới được cấp phép.
Ngoài ra, công an các huyện: Long Hồ, Trà Ôn và Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long cũng phát hiện 18 vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép liên quan 27 đối tượng, đã xử phạt hơn 2,5 tỉ đồng...
528 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, từ năm 2016 đến nay, ĐBSCL xuất hiện 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km. Trong đó, 281 điểm với 528 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần phải xây dựng công trình bảo vệ; 155 điểm với 306 km sạt lở nguy hiểm.
Vừa qua, công an các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Đồng Tháp đã ký kết, thống nhất ban hành quy chế phối hợp ở các vùng giáp ranh nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
Bình luận (0)