Trước thông tin cho rằng mặt cầu Bạch Đằng (nối Quảng Ninh - Hải Phòng) vừa đưa vào sử dụng đã lún, võng, chủ đầu tư là Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng khẳng định không ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
"Không ảnh hưởng chất lượng"?
Khởi công ngày 25-1-2015, đến cuối tháng 4-2018, cầu Bạch Đằng được hợp long nối đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Cầu Bạch Đằng là hạng mục thành phần của Dự án Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến. Cầu dài 700 m, vượt qua ngã ba sông Bạch Đằng, sông Cấm gồm 4 nhịp dây văng với 3 trụ tháp hình chữ H có chiều cao 100 m, cao độ thông thuyền 48,4 m, mặt cắt ngang toàn cầu 25 m. Tổng mức đầu tư 7.270 tỉ đồng, gồm vốn đầu tư BOT 6.780 tỉ đồng, vốn ngân sách 490 tỉ đồng.
Cầu Bạch Đằng vừa thông xe đã có vấn đề ở nhịp giữa Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Ngày 1-9-2018, cầu Bạch Đằng chính thức thông xe và tổ chức thu phí hoàn vốn từ ngày 15-10-2018. Tuy nhiên, ngay sau khi được đưa vào sử dụng, nhiều tài xế đi qua cây cầu này đã bày tỏ sự bức xúc về tình trạng lún, võng của mặt cầu. Theo một số tài xế, đoạn giữa 3 trụ cầu bị lồi lõm rất khó điều khiển xe. Nếu chạy trên 100 km/giờ, nguy cơ va chạm với các xe chạy song song rất cao…
Trước những ý kiến trên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tiến Oánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng, xác nhận có 4 điểm mấp mô, lún, võng tại 2 vị trí giữa cầu, điểm vênh lớn nhất lên tới 7 cm. "Mặc dù có một số chỗ lún, võng, mấp mô nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng cây cầu, chỉ không êm thuận khi chạy xe" - ông Oánh nói.
Theo vị phó tổng giám đốc này, tình trạng này thường xảy ra khi thi công các cầu dây văng, việc kiểm soát chênh lệch giữa các đốt đúc khó khăn hơn cầu thông thường. Trong quá trình thi công, các bên tuân thủ chặt chẽ quy trình kiểm soát chất lượng, đặc biệt là độ vồng thi công các khối đúc hẫng. Tại các khối đúc trước và sau khi hợp long 2 nhịp giữa có sự chênh lệch cao độ dẫn đến mặt cầu không bằng phẳng cục bộ tại một số vị trí.
"Chúng tôi đã phát hiện hiện tượng này từ trước khi thông xe chứ không phải sau khi đưa vào khai thác. Đây là hiện tượng chênh lệch cao độ giữa các đốt đúc dầm xảy ra khi thi công, không phải do khai thác bị lún võng" - ông Oánh nói.
Ông Oánh giải thích thêm: "Thông thường, ở một số cầu dây văng khác cũng xảy ra tình trạng này nhưng người ta xử lý bù vênh ngay, còn chúng tôi thì chờ khai thác một thời gian xem mức độ êm thuận như thế nào, xem sự phân bổ về lực, theo dõi các vấn đề khác như nhiệt độ, thời tiết, quan trắc lại rồi mới đưa ra tính toán hướng xử lý bù vênh".
Kiểm tra chất lượng thi công
Liên quan đến sự việc trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng kiểm tra thông tin về chất lượng thi công cầu Bạch Đằng. Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở GTVT khẩn trương yêu cầu nhà đầu tư, Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn chuyển giao công nghệ, tư vấn giám sát kiểm tra hiện trường, nghiên cứu, đánh giá các yếu tố kỹ thuật của cầu, ổn định trụ tháp, ứng suất dây văng… Các đơn vị có giải pháp xử lý, khắc phục để bảo đảm chất lượng công trình, an toàn tuyệt đối cho phương tiện tham gia lưu thông và an toàn công trình, đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ đến các cơ quan truyền thông.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Bạch Đằng cho biết thêm: Theo thiết kế, cầu được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động tại một số chỗ như đỉnh tháp, dây văng, dầm bê-tông… để theo dõi diễn biến nội lực, ứng suất, cao độ một cách liên tục làm cơ sở kiểm soát việc bảo đảm an toàn chịu lực cũng như êm thuận trong quá trình khai thác. Theo kế hoạch, trong tuần này, đơn vị sẽ tổ chức một cuộc hội thảo, trong đó thành phần gồm các chuyên gia thuộc Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, Bộ GTVT, chuyên gia Trường ĐH GTVT, chuyên gia độc lập của ngành giao thông… để nghe ý kiến phân tích, đánh giá kết quả quan trắc, đo đạc, từ đó đưa ra phương án bù vênh mặt cầu, bảo đảm trong thời gian khai thác về sau.
Ông Oánh cũng đoan chắc rằng "sau khi được xử lý bù vênh, về lâu dài cầu Bạch Đằng sẽ không còn tình trạng mấp mô nữa" (?!).
Thiết kế chỉ 100 km/giờ
Trước thông tin tỉnh Quảng Ninh đang xem xét nâng tốc độ tối đa cho phép để đồng nhất 120 km/giờ với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, lãnh đạo Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng cho biết: "Theo thiết kế, cầu Bạch Đằng được chạy vận tốc tối đa 100 km/giờ và hiện vẫn cắm biển tốc độ 100 km/giờ. Nếu có tăng lên 120 km/giờ thì chờ đánh giá sau này, chúng tôi không chắc chắn vì thiết kế chỉ có 100 km/giờ".
Bình luận (0)