.Phóng viên: Ông có thể cho biết lý do cũng như kỳ vọng của Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) khi phối hợp tổ chức, thực hiện chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" được phát sóng chính thức từ tối 24-8?
Ông LÂM ĐÌNH THẮNG .Ảnh: PHAN ANH
- Ông LÂM ĐÌNH THẮNG: Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, "ai ở đâu thì ở yên đó", người dân TP HCM rất cần những thông tin chính thống, kịp thời. Trong khi đó, thời gian này lại có những thông tin sai sự thật, bịa đặt, chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP HCM, nhất là làm cho người dân hoang mang, lo lắng. Ngoài ra, người dân cũng có nhiều khúc mắc, tâm tư, tình cảm để gửi gắm, kiến nghị đến chính quyền TP HCM và mong muốn chính quyền TP HCM giải đáp, trao đổi.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM phối hợp Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử thực hiện chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" vào lúc 20 giờ hằng ngày, bằng hình thức phát sóng trực tiếp trên mạng. Qua chương trình này, chúng tôi kỳ vọng tạo một cầu nối thân thiện, gần gũi giữa chính quyền với người dân TP HCM. Qua đó, cung cấp nhiều thông tin chính thống, hữu ích giúp người dân giải tỏa nhu cầu về mặt thông tin cũng như tạo sự đồng thuận của người dân trong công tác phòng chống dịch của TP HCM.
.Qua 3 số phát sóng, ông đánh giá thế nào về chương trình, vấn đề nào được người dân quan tâm nhiều, thưa ông?
- Tuy mới phát sóng được 3 số nhưng tôi đánh giá chương trình đã đáp ứng được mục tiêu lúc đầu đề ra, có sự lan tỏa tốt và ngày càng có nhiều người theo dõi. Số lượng người xem chương trình là hơn 1,42 triệu lượt, hơn 52.100 bình luận và khoảng 25.000 lượt chia sẻ. Tính tương tác của chương trình ngày càng cao qua từng số phát sóng. Chúng tôi không chỉ nhận được sự ủng hộ của người dân và các cơ quan chính quyền TP HCM mà cả các cơ quan trung ương. Ngoài việc cung cấp thông tin hữu ích cho người dân, chương trình cũng giúp được nhiều trường hợp khó khăn. Với việc chọn hình thức tổ chức trên mạng xã hội, chúng tôi đánh giá việc này sẽ giúp chính quyền TP HCM gần gũi hơn với người dân, phù hợp xu hướng thời đại thông qua hình thức livestream đang ngày càng phổ biến trong người dân.
Chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” đang được nhiều người quan tâm, theo dõi và tương tác .Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ TP HCM
Cũng qua 3 số phát sóng, tôi thấy người dân tương tác rất nhiều vấn đề như y tế, an sinh xã hội, các gói hỗ trợ, giao thông, an ninh trật tự... Trong đó, theo thống kê, khoảng 60%-70% là vấn đề an sinh xã hội, nhất là các túi an sinh, các gói hỗ trợ của trung ương và TP HCM.
.Để chương trình thiết thực và ngày càng gần gũi với người dân TP HCM, trong thời gian tới, chương trình sẽ có những đổi mới gì không, thưa ông?
- Chúng tôi cũng đang tính toán và dự kiến đổi mới chương trình theo 2 hướng. Một là, về nội dung sẽ cải tiến theo hướng tăng tính tương tác giữa chính quyền với người dân. Cụ thể là tăng thời lượng hỏi - đáp nhiều hơn. Hai là, phát sóng theo chuyên đề như y tế, cung cấp hàng hóa, an sinh xã hội... Vấn đề được chọn để phát sóng sẽ là vấn đề nóng, thời sự mà người dân quan tâm. Chúng tôi cũng dự kiến sẽ mời những lãnh đạo cao nhất của TP HCM tham dự chương trình này. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ nâng cấp chương trình về mặt kỹ thuật để ổn định, chương trình chạy mượt hơn, tăng sự tương tác.
.Trở lại câu chuyện ngày truyền thống của ngành, theo ông, cùng với cả nước, ngành thông tin và truyền thông TP HCM đã có những bước phát triển và thành tựu nổi bật nào trong thời gian qua?
- Trải qua 76 năm xây dựng và phát triển, ngành thông tin và truyền thông của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Đi cùng với ngành thông tin và truyền thông của cả nước, cũng như được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thành ủy TP HCM, UBND TP HCM, ngành thông tin và truyền thông của TP HCM cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện. TP HCM là một trong những đơn vị đi đầu cả nước về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
Trong lịch sử và đến thời điểm bây giờ, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đều có những dấu ấn rất đáng ghi nhận. Điển hình như đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo TP HCM xây dựng Công viên Phần mềm Quang Trung, tổ chức Đường sách Nguyễn Văn Bình, thành lập Trung tâm Báo chí TP HCM hiện đại. Trong thời gian gần đây, sở đã khẳng định được dấu ấn đi đầu trong thực hiện chủ trương của TP HCM: là đơn vị đầu tiên tổ chức được 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cung cấp dịch vụ công hoàn toàn qua mạng để giúp doanh nghiệp, người dân thuận tiện, giảm chi phí đi lại khi thực hiện thủ tục hành chính.
Đặc biệt, khi TP HCM bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đáp ứng rất nhanh và hiệu quả những yêu cầu của lãnh đạo TP liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch cũng như truyền thông. Có thể kể đến như Cổng thông tin Covid-19 của TP HCM, các loại bản đồ, hình thành trung tâm thông tin dữ liệu của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của TP HCM, các ứng dụng hỗ trợ cho ngành y tế, cơ quan quản lý và người dân... Ngoài ra, sở còn tổ chức các kênh tiếp nhận thông tin và chuyển thông tin của người dân đến cho cơ quan chức năng giải quyết kịp thời như tổng đài 1022 về tư vấn sức khỏe mùa dịch, an sinh xã hội...
Bình luận (0)