xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cầu vượt Dầu Giây khi nào xong?

Nguyễn Tuấn - Xuân Hoàng

Dự án cầu vượt Dầu Giây trên Quốc lộ 1 kết nối giao thông huyết mạch Bắc - Nam đã trễ hẹn 3 năm, tạo thành "điểm đen" tai nạn giao thông

Hạng mục nút giao thông Dầu Giây (điểm chính là cầu vượt Dầu Giây) tại ngã tư trung tâm thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, thuộc dự án đầu tư xây dựng khôi phục, cải tạo Quốc lộ (QL) 20 trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng được khởi công từ đầu tháng 2-2017, do Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Dự án khởi công từ năm 2017, dự kiến trong 1 năm sẽ hoàn thành nhưng 3 năm nay công trình vẫn giẫm chân tại chỗ, trở thành "điểm đen" tai nạn giao thông (TNGT).

14 người chết, 11 người bị thương

Hướng từ TP HCM xuống, gần đến khu vực cầu vượt Dầu Giây là cảnh ngổn ngang, chướng ngại vật khắp nơi, bụi mù mịt. Bên phải, bên trái hệ thống vỉa hè bị đào lên, đất đá, vật liệu để tràn lan trước cửa nhà dân, hàng quán. Muốn vào nhà phải bước qua hố sâu hoặc cầu ván hoặc những khối bê-tông, xe ủi, xe xúc. Cây cầu xây dở dang treo lơ lửng trong khi bên dưới, dòng xe Bắc - Nam, Tây Nguyên đổ về, Tỉnh lộ 769 đổ vào chen chúc dưới 2-3 làn đường vòng vèo giữa những tảng bê-tông được ngăn tạm.

Trên làn đường quốc lộ, nhiều chỗ hư hỏng, lồi lõm, cát đá rơi vãi khiến đoạn đường này liên tục xảy ra TNGT. Người dân phải dùng sơn vẽ lên mặt đường cảnh báo "đi chậm lại", "nguy hiểm".

Dự án "treo" cũng khiến đời sống người dân ở khu vực này xáo trộn do trời nắng thì đường đầy bụi, trời mưa thì nước tràn vào nhà; các cửa hàng, dịch vụ đều bị hụt doanh thu hơn một nửa, có quán phải đóng cửa.

Theo thống kê của Công an huyện Thống Nhất, từ năm 2017 đến nay, tại "điểm đen" thi công cầu vượt Dầu Giây đã xảy ra 18 vụ TNGT làm 14 người chết và 11 người bị thương, hàng chục phương tiện giao thông hư hỏng.

Tại buổi làm việc giữa chính quyền huyện Thống Nhất với chủ đầu tư xung quanh tình hình dự án vào tuần qua, thượng tá Nguyễn Văn Hạnh, Phó trưởng Công an huyện Thống Nhất, thông tin hiện việc thi công tại đây đã gây ra nhiều hố sâu, khi trời mưa sẽ không nhận ra đâu là hố nên nhiều người bị ngã, nhiều xe té lọt xuống. Giao thông rối loạn, ùn tắc, đèn cảnh báo không có… dẫn đến nhiều tai nạn chết người, trong đó có những trường hợp tự tông vào công trình vì trời tối.

Mỗi ngày, Công an huyện Thống Nhất phải túc trực 2 ca, mỗi ca 3 người mới điều tiết tạm ổn giao thông. Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh cho rằng việc để 14 người chết, 11 người bị thương tại "điểm đen" này, chủ đầu tư và đơn vị thi công cầu vượt Dầu Giây phải chịu trách nhiệm liên quan.

"Quy trình thi công của chủ đầu tư và đơn vị thi công là ngược, không đúng trình tự, chưa giải phóng mặt bằng, đền bù nhưng đã khởi công nên phát sinh và gây khiếu kiện, bất ổn, đời sống người dân bị đảo lộn, đi lại bất tiện, TNGT..." - thượng tá Nguyễn Văn Hạnh chỉ ra.

Cầu vượt Dầu Giây khi nào xong? - Ảnh 1.

Bụi mù mịt, đường thi công ngổn ngang khiến các phương tiện qua đây rất khó khăn. Ảnh: XUÂN HOÀNG

"Cố gắng bằng ý chí và niềm tin" (!)

Cũng tại buổi làm việc nói trên giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về tiến độ thi công, ông Hoàng Văn Mậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP BT 20 - Cửu Long (chủ đầu tư dự án cầu vượt Dầu Giây), cho biết chưa thể xác định cụ thể. "Chúng tôi đã hoàn thành 70% khối lượng công việc. Chúng tôi sẽ cố gắng bằng ý chí và niềm tin, sẽ làm nhanh để thông xe chạy trên cầu chính trước Tết âm lịch 2021. Còn những hạng mục khác phải chờ nguồn vốn để xoay tiếp" - ông Mậu nói.

Về nguyên nhân dự án thi công... "rùa", ông Hoàng Văn Mậu giải thích ban đầu dự án được tính toán kinh phí gần 300 tỉ đồng, dự kiến sau 1 năm hoàn thành. Tuy nhiên, quá trình thi công, kinh phí giải phóng mặt bằng tăng gần gấp 10 lần nên gặp khó khăn.

Một nguyên nhân khác khiến thiếu vốn toàn cục, theo ông Hoàng Văn Mậu, là vì chủ đầu tư chưa được Bộ Tài chính hoàn thuế GTGT gói đầu tư giai đoạn 1 dự án cải tạo nâng cấp QL20 (đã hoàn thành) và vốn đối ứng. Theo đó, để hoàn thiện dự án nút giao thông cầu vượt Dầu Giây, chủ đầu tư cần thêm 80 tỉ đồng, trong đó phần cầu vượt chính cần khoảng 30 tỉ đồng nhưng hiện chủ đầu tư chỉ còn vốn 14 tỉ đồng nên không thể thi công theo tiến độ.

Ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, nói thẳng công trình thi công rất chậm chạp, gây nguy hiểm cho người dân. Yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công phải giải quyết dứt điểm những bất cập để bảo đảm an toàn cho người dân khi lưu thông qua đây. "Dự án được triển khai theo mong đợi của chính quyền và nhân dân để phát triển xã hội nhưng đã chậm hơn 3 năm. Đến nay, dự án trở thành sự ức chế đối với phát triển kinh tế và người tham gia giao thông đi qua ngã tư Dầu Giây" - Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất nhấn mạnh.

Nút giao thông quan trọng

Công trình cầu vượt Dầu Giây do Công ty CP BT 20 - Cửu Long làm chủ đầu tư với số vốn 300 tỉ đồng, xây dựng dọc QL1. Cầu được thiết kế dài hơn 350 m, rộng 16 m, 4 làn xe. Phần nút giao được mở rộng hai bên QL1 (dọc theo cầu) có 4 làn xe. Ngã tư Dầu Giây là nút giao thông quan trọng trên QL1, kết nối giao thông Bắc - Nam và các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ lên cao nguyên Lâm Đồng. Điểm giao thông này cũng dẫn vào đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cách đó hơn 1 km.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo