Cầu vượt Dầu Giây dự kiến được xây tại nút giao ngã tư Dầu Giây, huyện Thống Nhất; là điểm nối giữa Quốc lộ 1, Quốc lộ 20 đi tỉnh Lâm Đồng và Tỉnh lộ 769 đi cảng Gò Dầu của Đồng Nai. Đây là khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn và được các bên cùng đề xuất cải thiện sau giai đoạn dự án cải tạo Quốc lộ 20 đã hoàn thành. Tuy nhiên, đã một thời gian khá dài nhưng vẫn chưa được “quyết”. Một số người dân thì cho rằng vị trí này có độ dốc, nên làm vòng xoay chứ không nên xây cầu.
Nút giao thông quan trọng
Ngay từ giữa năm 2014, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất Chính phủ cho cải tạo, xây dựng lại nút giao ngã tư Dầu Giây. Theo địa phương này, trong thời gian qua, nhiều dự án giao thông quan trọng qua địa bàn đã được thực hiện như tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, dự án cầu Đồng Nai mới vượt sông Đồng Nai và tuyến hai đầu cầu, các công trình cải tạo Quốc lộ 1, 51 và 20, các hầm chui vòng xoay Tam Hiệp và cầu vượt Amata… góp phần phát triển giao thông khu vực. Trong bối cảnh đó, với áp lực của Đồng Nai được coi như cửa ngõ TP HCM, việc cải thiện, phát triển hạ tầng giao thông khu vực ngã tư Dầu Giây được đánh giá là hết sức cần thiết, tạo sự đồng bộ.
Một vụ tai nạn xảy ra ở khu vực ngã tư Dầu Giây, xe ben “trèo” lên bùng binh
Ngã tư Dầu Giây từ lâu được coi là một “điểm đen” về tai nạn giao thông, hằng ngày có khoảng 30.000 lượt xe máy, 22.000 lượt ô tô qua lại. Đây cũng là nút giao thông quan trọng hướng về Tây Nguyên và “điểm nối hành trình vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng về cảng Gò Dầu - Đồng Nai.
Dự án cầu vượt Dầu Giây do Công ty CP BT-20 Cửu Long làm chủ đầu tư, hiện vẫn trong giai đoạn lập phương án báo cáo Thủ tướng xin chủ trương thực hiện. Cuối năm 2015, Bộ GTVT cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp nghe báo cáo bổ sung các hạng mục, trong đó có hạng mục nút giao ngã tư Dầu Giây. Bộ GTVT yêu cầu tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại các phương án, làm rõ mức độ cần thiết phải xây dựng; đồng thời báo cáo cụ thể về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tuyến đường, lựa chọn các phương án kỹ thuật và giải pháp thiết kế từng hạng mục. “Dự án vẫn đang trong giai đoạn lập phương án, báo cáo xin chủ trương đầu tư. Các bước cơ bản gần hoàn tất, có thể sẽ gút lại vào sau Tết Nguyên đán” - một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường bộ 7- Bộ GTVT, đơn vị quản lý khu vực địa bàn, cho biết.
Không bảo đảm an toàn?
Việc xây dựng, cải tạo nút giao tại ngã tư Dầu Giây khiến không ít người dân tỏ ra băn khoăn về phương án thiết kế. Theo phương án thiết kế cơ bản, cầu vượt Dầu Giây là cầu bê tông cốt thép dự ứng lực nằm dọc theo Quốc lộ 1, gồm 10 nhịp với chiều dài gần 353 m. Cầu có độ dốc cao đổ từ phía Bắc xuống, bên dưới sẽ là nút giao bùng binh.
Theo nhiều người dân xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất - nơi dự kiến xây cầu - do vị trí tại nút giao có độ dốc cao theo chiều Bắc - Nam nên nếu xây cầu sẽ không bảo đảm an toàn, dễ xảy ra tai nạn; đồng thời về mặt mỹ quan cũng không hoàn thiện. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều người dân cũng thể hiện nỗi băn khoăn này. “Việc xây cầu vượt sẽ có lợi hơn về chi phí so với các thiết kế kỹ thuật khác. Tuy nhiên, chúng tôi muốn các đơn vị xem xét xây dựng vòng xuyến sẽ bảo đảm an toàn giao thông, phù hợp hơn về mặt mỹ quan và nhu cầu đi lại của người dân địa phương” - một người dân nói.
Thế nhưng, lãnh đạo Công ty CP BT 20 - Cửu Long cũng như Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đều khẳng định trước khi đề xuất các phương án, chắc chắn cơ quan chuyên môn sẽ cân nhắc, tính toán cụ thể các tiêu chí để bảo đảm về mặt kỹ thuật và tầm ảnh hưởng của dự án đến các vấn đề kinh tế, xã hội.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường bộ 7, cho biết mọi thủ tục, yếu tố kỹ thuật của dự án đều sẽ được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Việc cải tạo nút giao, xây dựng cầu vượt Dầu Giây là hết sức cần thiết nhằm phát triển hạ tầng, tăng độ thông suốt cho các tuyến Quốc lộ 1 và 20. “Đến nay, thủ tục xây dựng cầu vượt, nút giao cơ bản đã hoàn tất. Hiện các đơn vị đang tích cực phối hợp với địa phương, tuyên truyền vận động các hộ dân ủng hộ, sớm giải quyết mặt bằng để chờ được phê duyệt, thực hiện dự án. Bộ GTVT cũng đã yêu cầu tính toán kỹ về quy mô, mặt cắt, kết cấu và chiều dài phải thật phù hợp…” - ông Khoát nói.
Vốn 1.200 tỉ đồng dư từ dự án cải tạo Quốc lộ 20
Theo Công ty CP BT 20 - Cửu Long, vốn để xây dựng cầu vượt Dầu Giây và tuyến tránh TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng (2 hạng mục bổ sung) là vốn dư từ dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 dài 110 km, đã thực hiện xong và đưa vào khai thác từ đầu năm 2015. “Tổng vốn đầu tư dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 là khoảng 5.264 tỉ đồng, là vốn sở hữu của chủ đầu tư và vốn vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng từ nước ngoài, hiện dư khoảng 1.200 tỉ đồng … ” - một lãnh đạo Công ty CP BT 20 - Cửu Long cho biết.
Bình luận (0)