Tối 9-4, ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN-PTNT), cho biết lực lượng kiểm lâm đã xác định được nguồn gốc cây cổ thụ còn lại đang tạm giữ ở Thừa Thiên - Huế. "Cây không có xác nhận của chính quyền địa phương nên sẽ tiến hành xử phạt theo quy định" - ông Tùng cho biết thêm.
Ba cây "quái thú" đang tạm giữ tại Thừa Thiên - Huế. Ảnh Q.Tám
Còn theo ông Bùi Tiến Hoàng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk), chiều 9-4, lực lượng kiểm lâm đi theo mô tả của ông Kiều Văn Chương (chủ 3 cây "quái thú" đang bị tạm giữ tại Thừa Thiên - Huế – PV) thì xác định cây đa cổ thụ được khai thác tại xã Ea Đah chứ không phải nằm trên xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) như thông tin trước đó.
Cũng theo ông Hoàng, cây đa sộp nằm trên đất nông nghiệp của gia đình ông Nguyễn Văn Điệp. Sau khi xác định được vị trí cây, Hạt Kiểm lâm đã làm việc với chính quyền địa phương. Tại đây, đại diện chính quyền cho biết trước đó ông Điệp có lên xin bứng một cây đa cổ thụ sắp ngã vào nhà nhưng xã không xác nhận.
Trước như Báo Người Lao Động đã phản ánh, sau khi bị tạm giữ 3 cây "quái thú", ông Chương đã xuất trình 3 bộ hồ sơ liên quan đến nguồn gốc. Trong đó, hồ sơ nguồn gốc lâm sản xe BKS: 73C-02880 gồm: đơn vận chuyển, bản đăng ký khai thác, đơn đề nghị xác nhận cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ (đều ghi ngày 23-3-2018) của bà H’Yô Na Buôn Yă (ngụ buôn Sú, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) đã được bà H’Phi La Niê - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ - ký xác nhận cùng ngày.
Căn vào hồ sơ này, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk đã xác minh kết luận, bà H’Yô Na Buôn Yă không ký vào bất cứ đơn xin khai thác cây đa sộp. Còn bà H’Phi La Niê thừa nhận chữ ký vào con dấu trong hồ sơ khai thác cây đa sộp là của mình nhưng do không kiểm tra nên ký. Sau khi nhận được thông báo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên – Huế đã cùng ông Chương vào xác minh lại.
Bình luận (0)