Những ngày đầu tháng 9-2018, quay lại Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều cây xanh được bứng dưỡng không ra lá mà chết khô. Những cây xanh này nằm trong số 115 cây trên đường Tôn Đức Thắng được di dời về Trường Đại học Nông Lâm TP để dưỡng.
Một đi không trở lại
Theo quan sát, hàng loạt cây xanh trên được trồng dọc con đường phía sau giảng đường Phượng Vỹ của Trường Đại học Nông Lâm TP. Những cây xanh đưa về đây được chằng chống cẩn thận bằng các sợi dây cáp tạo thế kiềng ba chân hoặc đứng trong những khung sắt cố định. Tuy không có cây nào bị đổ nhưng số chết thì rất nhiều, chúng tôi đếm được có khoảng hơn 20 cây. Những cây bị chết đa phần là sọ khỉ và sao đen. Một số sinh viên cho biết sau khi mới bứng về đem dưỡng thì cây đâm chồi, nở lộc và tạo thành cành nhỏ nhưng được nửa năm sau thì chết khô.
Nhiều cây xanh sau khi được bứng đem về chăm sóc ở Trường Đại học Nông Lâm TP
Tương tự, giữa năm 2017, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3, gọi tắt là Khu 3, thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cũng bứng dưỡng 23 cây sao đen trên đường Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp) về Công viên Gia Định để chăm sóc. Sau khi đưa về đây thì nhiều cây bị chết khô. Cụ thể, cuối tháng 12-2017, có đến 18 cây bị chết khô và đến nay thì phần lớn đã chết. Hiện ngành chức năng đã xử lý hơn 10 cây bị chết, số còn lại vẫn đứng giữa Công viên Gia Định như trêu ngươi dư luận. Ngoài những cây kể trên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Công viên Gia Định còn một số cây khác được bứng đem về trồng dọc đường Đặng Văn Sâm cũng… chết.
Một cán bộ có thâm niên trong lĩnh vực cây xanh nói rằng tình trạng cây bị chết sau khi được bứng dưỡng khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu do cây không được bứng đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Vị cán bộ trên dẫn chứng đối với cây xanh ở vườn ươm, trước khi bứng ra trồng ngoài đô thị phải được khoanh gốc để ra rễ cám, thời gian chờ mất khoảng 2 tuần. Trong khi đó, nhiều cây xanh ở đô thị được bứng dưỡng trong thời gian ngắn, có thể là một đêm, mà bầu rễ lại không đủ rộng nên sẽ bị chết sau khi cây dùng hết dưỡng chất. Thậm chí, việc bứng cây còn được giao cho đơn vị thi công thực hiện, do không có chuyên môn nên nhiều khi họ dùng cả máy xúc bứng cây theo kiểu "nhổ củ mì".
Biết khó sống vẫn bứng?!
Theo lý giải của Khu 3, các cây sao đen bị chết khô ở Công viên Gia Định được bứng dưỡng khi thi công cầu vượt thép ngã sáu Gò Vấp có đường kính khá lớn, từ 25-60 cm. Do đó, khi lập phương án xử lý cây trước khi trình phê duyệt dự án, Khu 3 đã mời Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP tổ chức phản biện và góp ý. Các chuyên gia cũng có nhận định rằng những cây này khá lớn và mặt bằng hiện hữu tại vị trí các cây trên đường Phạm Ngũ Lão không bảo đảm không gian để bứng nên khi bứng sẽ bị nhiều tổn thương ở gốc, rễ, thân, cành nhánh dẫn đến khả năng sống và hồi phục rất thấp. Tuy nhiên, thực hiện theo chủ trương chỉ đạo của UBND TP là hạn chế tối đa việc đốn cây tại các công trình dự án nên Khu 3 đã phối hợp với các bên liên quan kiểm tra hiện trường và thống nhất bứng toàn bộ số cây xanh nói trên về trồng tại Công viên Gia Định (?!).
Công viên Gia Định thì bị chết khô
Cũng theo Khu 3, sau khi bứng, di chuyển về trồng tại công viên là công đoạn chăm sóc đặc biệt. Từ tháng 5-2017, một số cây cũng có đâm chồi, ra lá nhưng sau đó thì suy kiệt dần. Qua quá trình theo dõi, Khu 3 nhận thấy các cây không còn khả năng sống nên đã báo cáo Sở GTVT cho đốn hạ và đã được chấp thuận. Tuy nhiên, Sở GTVT yêu cầu phải đánh giá chi tiết từng cây để rút kinh nghiệm cho công tác di dời cây xanh thuộc các dự án sau này. Hiện nay, Khu 3 đã hoàn tất công tác đánh giá và sẽ cho đốn hạ số cây nêu trên nhằm bảo đảm an toàn, gỗ thu hồi được đưa về nơi tập kết tại vườn ươm Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) để quản lý.
Ông Vũ Văn Điệp, Trưởng Phòng Quản lý Công viên cây xanh Sở GTVT TP, cho biết thời gian qua, nhiều cây xanh được bứng dưỡng về ươm trồng tại Công viên Gia Định. Do cây quá lớn nên sau thời gian ươm trồng khoảng hơn 6 tháng thì có những cây không còn đủ dinh dưỡng nên bị chết. "Cây quá lớn nên tốc độ phát triển của bộ rễ không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng" - ông Điệp giải thích.
Nhận xét về lập luận trên, không ít chuyên gia trong lĩnh vực đô thị cho rằng đó là kiểu trả lời thiếu trách nhiệm. "Không bàn đến việc bứng có đúng kỹ thuật hay không; ở đây, sự thật đúng như họ đánh giá thì lẽ ra khi biết những cây bứng xong khó sống, họ phải báo cáo rõ để thành phố quyết chứ không thể làm theo kiểu biết chết nhưng vẫn bứng, vẫn ươm. Như vậy là họ đang đem tiền ngân sách ra đổ sông, đổ biển" - một chuyên gia bức xúc.
Chỉ bứng dưỡng những cây nhỏ, quý
Đại diện Sở GTVT TP HCM cho biết việc chằng chống đối với các cây lớn để cây đứng vững là không hề dễ vì bộ rễ bị cắt nhiều, không còn đủ độ bám nên độ an toàn rất thấp. Vì vậy, sở này đã lấy ý kiến của các chuyên gia, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP để tham mưu cho UBND TP sẽ chỉ bứng dưỡng những cây nhỏ, quý.
Bình luận (0)