Những ngày này, tại các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền ở tỉnh Quảng Nam, tàu cá lớn nhỏ đủ loại nằm bờ la liệt. Ngư dân chia sẻ trong khi giá xăng dầu tăng cao thì chính sách hỗ trợ nhiên liệu để ngư dân vươn khơi bám biển lại quá chậm trễ, không đáp ứng kịp thời nguyện vọng của họ.
Chậm cả năm trời
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 48 nhằm hỗ trợ, khuyến khích hoạt động khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Mỗi tàu cá tham gia đánh bắt xa bờ sẽ được nhà nước hỗ trợ nhiên liệu tối đa 4 chuyến biển/năm. Trong đó, tàu cá từ 700 CV trở lên được hỗ trợ 100 triệu đồng/chuyến biển, tàu cá từ 400 CV đến 700 CV được hỗ trợ 75 triệu đồng/chuyến biển… Nhờ chính sách này, ngư dân phần nào vơi bớt khó khăn, an tâm vươn khơi bám biển để phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tuy vậy, các ngư dân cho hay khoảng 3 năm trở lại đây, việc chi trả chính sách trên tại tỉnh Quảng Nam hết sức chậm trễ. Ông Võ Quang Phúc (SN 1979; ngụ thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) nói gia đình ông có 2 tàu với công suất từ 400-700 CV, theo quy định, mỗi chiếc tàu được hỗ trợ 75 triệu đồng/chuyến biển. Đến thời điểm này, tàu của ông đã vươn khơi đủ 4 chuyến biển trong năm 2022 với mỗi chuyến ít nhất 15 ngày, gửi đủ các tin nhắn theo quy định. Ông Phúc đã làm hồ sơ gửi xét duyệt để được nhận tiền hỗ trợ theo Quyết định 48 đối với 4 chuyến biển trong năm 2022. Tuy nhiên, tiền hỗ trợ nhiên liệu quý III và IV/2021 ông vẫn chưa nhận được. Sau khi chạy đủ 4 chuyến biển để làm hồ sơ nhận tiền hỗ trợ, 2 tàu cá của ông Phúc phải nằm bờ gần 1 tháng nay. "Nay đang là vụ đánh bắt chính của ngư dân nhưng giá dầu tăng quá cao, nếu được hỗ trợ tiền kịp thời thì chúng tôi không phải để tàu nằm bờ như vậy" - ông Phúc than thở.
Xăng dầu tăng giá trong khi không được hỗ trợ tiền nhiên liệu kịp thời, nhiều tàu thuyền của ngư dân tỉnh Quảng Nam đành phải nằm bờ
Ngư dân Nguyễn Văn Phụng (SN 1983, ngụ thôn Sâm Linh Tây) cũng cho biết đến nay gia đình anh mới nhận được tiền hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48 đối với các chuyến biển trong quý I và II/2021. Tiền hỗ trợ nhiên liệu quý III, IV/2021 và các chuyến biển trong năm 2022 chưa nhận được. Hai tháng nay, giá dầu tăng đột biến, 2 chiếc tàu của gia đình anh đành phải nằm bờ. Theo anh Phụng, đa số ngư dân đều vay tiền ngân hàng để đóng tàu vươn khơi, họ thường chờ đợi tiền hỗ trợ để trả lãi ngân hàng, mua dầu để đi biển nhưng việc chi trả tiền hỗ trợ quá chậm khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn, nhiều người phải vay nóng để có tiền trả lãi.
Không riêng huyện Núi Thành, qua khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều ngư dân tại các huyện, thành phố khác ở tỉnh Quảng Nam cũng than thở rằng tiền hỗ trợ theo Quyết định 48 quá chậm trễ.
Cán bộ đi tù, không có người làm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, thừa nhận việc chi trả tiền hỗ trợ ngư dân trên địa bàn chậm trễ. Nguyên nhân là do đơn vị thiếu nhân sự. Theo ông Long, trong năm 2021, chi cục có tất cả 28 nhân sự bao gồm cả công chức, viên chức. Tuy nhiên, hiện nay đơn vị chỉ có 16 cán bộ do một số chuyển công tác, một số viên chức theo quy định không được tiếp tục công việc. Ông Long cho biết chi cục được giao tổng cộng 21 biên chế, hiện nay còn thiếu 5 công chức nhưng chưa tuyển được.
Một nguyên nhân khác là do vừa qua, cựu Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam Phạm Thị Hoàng Tâm cùng 1 trưởng, 1 phó phòng của đơn vị này dính vào vụ án đưa và nhận hối lộ liên quan việc thẩm định, chi trả tiền hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48 trên địa bàn tỉnh. Điều này khiến hồ sơ tồn đọng trong thời gian dài cũng như ảnh hưởng đến tâm lý của các cán bộ làm việc tại cơ quan.
Xăng dầu tăng giá trong khi không được hỗ trợ tiền nhiên liệu kịp thời, nhiều tàu thuyền của ngư dân tỉnh Quảng Nam đành phải nằm bờ
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Quyết định 48 tỉnh Quảng Nam, cũng nói rằng việc 3 cán bộ trụ cột của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam bị khởi tố năm 2019 (vừa qua đã bị đưa ra xét xử) đã ảnh hưởng rất lớn đến công việc của cơ quan này. Ông Tấn thông tin đến thời điểm này, hội đồng thẩm định đã thực hiện xong hồ sơ của quý III và IV/2021, đang trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí để hỗ trợ ngư dân.
"Vụ án đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của mọi người vì họ sợ bị trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra. Việc xét duyệt, thực hiện hồ sơ phải làm kỹ, thận trọng hơn để tránh sai sót nên càng chậm trễ" - ông Tấn chia sẻ.
Khó tuyển dụng cán bộ
Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho hay theo đề xuất của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, sở đang thông báo tuyển dụng công chức đến làm việc tại Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam để giải bài toán thiếu nhân sự. Tuy nhiên, việc tuyển người đáp ứng chuyên môn đang gặp nhiều khó khăn vì phải tuyển người đã là công chức chứ không thể tuyển viên chức hoặc nhân viên hợp đồng vì trái quy định. "Người đã là công chức thì đang làm việc ổn định từ nơi khác rồi nên rất khó tuyển về chỗ mình, đó là chưa kể tìm nhân sự đáp ứng chuyên môn rất khó khăn, trong khi biên chế ngày một tinh giản" - ông Tích nói.
Bình luận (0)