Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ vừa đi kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT 2022 tại các hội đồng thi 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An. Thứ trưởng khẳng định chấm thi phải bảo đảm đúng chất lượng, năng lực của thí sinh…
Điểm chấm thi chênh lệch không cao
Năm nay, Ban Chấm thi tự luận của Hà Tĩnh bố trí 172 giám thị tại 8 phòng chấm và bắt đầu làm nhiệm vụ từ ngày 11-7. Ban Chấm thi trắc nghiệm gồm 27 người, bắt đầu chấm thi từ ngày 9-7. Đến nay, việc chấm vòng 1 bài thi tự luận đã hoàn thành 136/577 túi chứa bài thi. Hà Tĩnh dự kiến ngày 22-7 sẽ hoàn thành việc chấm thi.
Tất cả giám khảo của Hà Tĩnh chỉ dành 1 ngày để chấm chung 10 bài, thống nhất cách chấm từng chi tiết. Sau đó, mỗi ngày chấm khoảng 2 túi, mỗi túi 30 bài thi. Quá trình chấm thi cho thấy vẫn có những bài giữa giám khảo 1 và giám khảo 2 chênh lệch trong mức cho phép từ 0,25 - 0,75 điểm.
Báo cáo với đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Hồng Cường, Trưởng Ban Chấm thi tự luận của Hà Tĩnh, cho hay đa số giám khảo chấm đều tay. Số bài tự luận lệch nhau 1 - 1,5 điểm rất ít.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra chấm thi tại tỉnh Nghệ An Ảnh: MINH THU
Nghệ An có số lượng thí sinh dự thi đông (36.743 em) nên huy động tới 324 giáo viên tham gia Ban Chấm thi tự luận, trong đó có 280 cán bộ chấm thi, 24 cán bộ chấm kiểm tra. Tổng số cán bộ tham gia chấm thi trắc nghiệm là 41 người. Việc chấm thi được thực hiện theo đúng quy trình vòng 1, vòng 2, chấm kiểm tra và ghép điểm cho thí sinh. Qua 4 ngày chấm, gần 2% bài thi được đề xuất chấm kiểm tra, trong đó không có bài thi nào phải thực hiện chấm chung.
Theo bà Phạm Thị Thu Hường, Phó trưởng Ban Phụ trách chấm thi tự luận của Hội đồng thi tỉnh Nghệ An, tỉ lệ bài thi chênh lệch điểm không cao và điểm chênh lệch giữa các giám khảo trong giới hạn cho phép. Để bảo đảm chặt chẽ việc chấm thi, Bộ GD-ĐT yêu cầu chấm kiểm tra tối thiểu 5% số lượng bài thi. Nghệ An điều động 22 giám khảo chấm kiểm tra. Các bài kiểm tra được chấm từ vòng 1 đến vòng 3 để bảo đảm chính xác, đều tay. Dự kiến trong hôm nay, 17-7, Nghệ An sẽ hoàn thành việc chấm thi.
Trước đó, kiểm tra tại tỉnh Bắc Giang, ông Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh cần phải sớm triển khai việc chấm kiểm tra để tránh tâm lý chủ quan của giám thị chấm thi. Qua kiểm tra tại địa phương này, có hiện tượng chênh nhau giữa người chấm 1 và người chấm 2.
Bà Đào Thị Minh Hải - Phó trưởng Ban Chấm thi tự luận, Hội đồng chấm thi Bắc Giang - cho biết trong thời gian chấm chung theo quy định 10 bài thi ngữ văn để thảo luận đáp án, đã xuất hiện bài được 9,5 điểm. Đây là bài văn gây ấn tượng, thí sinh biết dùng một tác phẩm khác để so sánh, làm bật lên giá trị của tác phẩm trong đề bài. Thí sinh này bị trừ 0,25 điểm ở phần 1 và 0,25 điểm ở phần 2 không phải do thiếu ý mà vì Ban Chấm thi yêu cầu lấy ví dụ cao hơn so với đáp án. Trong khi đó, tỉnh Hòa Bình cũng đã có bài văn được trên điểm 9.
Phản ánh đúng năng lực thí sinh
Kiểm tra các khâu chấm thi tại nhiều địa phương, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo thống nhất là chấm đúng, chính xác, công bằng, khách quan, phản ánh đúng năng lực của thí sinh. Thứ trưởng lưu ý các hội đồng thi, ban chấm thi tuyệt đối không được chủ quan, lơ là dẫn tới sai sót không đáng có.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, điểm bài thi tự luận vẫn có độ chênh lệch, do đó cần tiếp tục quán triệt cán bộ chấm thi về quy chế, hướng dẫn chấm và phải tăng cường chấm kiểm tra. "Cần bảo đảm nguyên tắc chấm 2 vòng độc lập và có sự thống nhất điểm. Việc thống nhất điểm cũng phải được kiểm soát. Vì nếu lúc thống nhất điểm, 2 giám khảo thỏa hiệp thì đến khi phúc khảo có thể vấn đề sẽ thành phức tạp" - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý.
Về việc tăng cường chấm kiểm tra, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ngoài 5% theo yêu cầu, có thể tăng số lượng bài. Trong đó, lựa chọn những bài điểm cao hoặc điểm thấp. Ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: "Chấm kiểm tra không phải là chấm thay, làm hộ việc của giám khảo vòng 1, vòng 2, mà là giúp thầy cô chấm các vòng trước khẳng định, bảo vệ kết quả chấm của mình, chứng minh ban chấm thi thực hiện tốt nhiệm vụ; đồng thời trả lại điểm số đúng cho bài thi nếu có chênh lệch, bảo đảm công bằng cho thí sinh". Thứ trưởng cũng đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra, có cơ chế giám sát lẫn nhau giữa từng vòng chấm.
Bộ GD-ĐT cho biết theo kế hoạch, chậm nhất ngày 22-7, các đơn vị tổng kết việc chấm thi tốt nghiệp THPT và gửi dữ liệu kết quả về bộ. Ngày 24-7, các hội đồng thi công bố kết quả thi.
Tăng cường bảo mật thông tin
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, để tránh thiệt thòi cho thí sinh, không cộng sót điểm, giáo viên cần cẩn trọng ở khâu cộng điểm. Cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh nhưng phải đúng quy chế. Khâu chấm thi cần bảo đảm tiến độ và chất lượng, nhanh nhưng không vội. Ngoài ra, các ban chấm thi cũng cần tăng cường bảo mật thông tin về nội dung bài thi, kết quả thi của thí sinh.
Bình luận (0)