Dự án "Cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực kênh Hàng Bàng (qua địa bàn quận 5 và 6, TP HCM), thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP HCM" (gọi tắt là dự án kênh Hàng Bàng), được thực hiện với mục tiêu cải tạo tuyến kênh để giải quyết ngập, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời kết hợp giải tỏa, tái định cư cho các hộ dân sống dọc dòng kênh.
Điểm sáng chỉ mới le lói
Dự án kênh Hàng Bàng chia làm 3 giai đoạn, với phạm vi thu hồi đất dọc đường Phan Văn Khỏe - Bãi Sậy trên tổng chiều dài 1.452 m, kinh phí bồi thường gần 2.900 tỉ đồng. Giai đoạn 1 của dự án từ kênh Lò Gốm đến đường Bình Tiên hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2017. Ở giai đoạn này đã nạo vét và xây dựng bờ kè khôi phục dòng kênh Hàng Bàng dài 390 m.
Trở lại đoạn kênh nơi đã hoàn thiện, xung quanh như được "thay da đổi thịt" khi không còn hình ảnh dòng kênh đen bốc mùi, cảnh nhếch nhác rác thải..., thay vào đó là những bờ kè phẳng phiu, thẳng tắp... Phía trên, mảng xanh cùng các khu dân cư cũng trở nên khang trang, đời sống người dân cũng dần cải thiện... "Nhìn những đoạn kênh đã được khơi thông lại thấy mà ham nhưng con kênh chỉ đẹp và đúng nghĩa với từ "kênh" khi cả dòng được khơi thông mà thôi. Còn cứ như bây giờ thì nhìn rất… tức mắt" - ông Nguyễn Hoài Thanh, cư dân trong khu vực, bình luận.
Dự án kênh Hàng Bàng đoạn qua quận 6, nhiều đoạn đang thi công nhưng vẫn dang dở do vướng mặt bằng
Ông Thanh "tức mắt" cũng phải bởi hiện giai đoạn 2 của dự án này đang rơi vào bế tắc, với mặt bằng đang vướng ở cả 2 quận 5 và 6. Cụ thể, tại buổi làm việc với HĐND TP HCM ngày 20-5, UBND quận 6 cho biết giai đoạn 2 của dự án trên địa bàn quận đang thực hiện giải tỏa dọc 2 bên đường Phan Văn Khỏe và Bãi Sậy (giới hạn bởi đường Ngô Nhân Tịnh và Phạm Đình Hổ), với tổng số trường hợp bị ảnh hưởng là 344 (gồm 320 hộ dân và 24 tổ chức), tổng kinh phí bồi thường là 1.200 tỉ đồng. Hiện trường hợp không đồng ý di dời còn 163 hộ dân, trong đó 85 hộ không đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. "Những hộ này hầu hết có nhà ở phía sau khu chợ Bình Tây, đang kinh doanh hoặc cho thuê kinh doanh, có lợi ích kinh tế cao, vì vậy không muốn di dời" - đại diện UBND quận 6 cho hay.
Trong khi đó, tại quận 5, đại diện chính quyền địa phương cho biết tại dự án kênh Hàng Bàng đi qua địa bàn quận, việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư rất phức tạp. Cụ thể là nhiều căn nhà không đơn thuần nằm trên đất, không có giấy tờ rõ ràng, mà nhiều nơi nhà xây trên kênh, dẫn đến việc xác định phạm vi, tính giá bồi thường gặp rất nhiều khó khăn.
"Phân bì" vì chính sách thay đổi
Dù thực tế đã có nhiều kinh nghiệm với việc giải phóng mặt bằng ở các dự án lớn những năm trước như dự án đại lộ Đông - Tây hoặc Tân Hóa - Lò Gốm... song hiện nay tại dự án kênh Hàng Bàng, địa phương vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong vận dụng chính sách bồi thường giải tỏa.
Nêu vấn đề một trong những bất cập của việc đền bù, giải phóng mặt bằng tại dự án hiện nay, theo UBND quận 6, trước đây do địa phương thực hiện dự án trước quận 5 nên áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người dân theo Quyết định 23 của UBND TP ban hành năm 2015. Trong khi đó, ở quận 5 do triển khai bồi thường, giải tỏa sau nên địa phương này áp dụng theo Quyết định 28 của UBND TP ban hành năm 2018. "Quyết định 28 có nhiều cái lợi hơn cho người dân nên nhiều hộ ở quận 6 "phân bì" - địa phương này cho biết.
Vì vậy, UBND quận 6 đã kiến nghị và đề xuất UBND TP vận dụng giải pháp bồi thường cho người dân quận này theo Quyết định 28 trong tình hình hiện nay. Trường hợp áp dụng theo Quyết định 28, quận 6 cho biết 112 hộ dân sẽ được hỗ trợ do có nhà ở, công trình nguồn gốc kênh rạch. Trong đó bao gồm 11 hộ có đơn tập thể, 24 hộ trong số các trường hợp không đồng ý di dời hiện nay. Đồng thời, còn có 320 hộ dân cũng được hỗ trợ tự lo nơi ở mới, trong đó 52 hộ đang có đơn khiếu nại tập thể.
"Tuy nhiên, để hài hòa và công bằng với những hộ dân đã di dời trước đó thực hiện theo Quyết định 23, địa phương cũng sẽ bổ sung lại toàn bộ những lợi ích theo quyết định mới" - đại diện UBND quận 6 khẳng định và nêu giải pháp trước mắt là tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân cũng như lên kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất với các trường hợp đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao.
Phải rõ ràng mới đồng thuận cao
Tại buổi giám sát của HĐND TP HCM, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nhìn nhận với tình hình hiện nay, ngoài các vấn đề liên quan đến thủ tục, pháp lý thì việc tạo sự đồng thuận cho người dân, hiểu được lợi ích lâu dài khi dự án hoàn thành là đặc biệt quan trọng. Bà Tố Trâm dẫn chứng tại nhiều dự án, không ít trường hợp người dân nói không với di dời nhưng không phải họ không muốn mà bởi các chính sách, phương án bồi thường, vận động không thỏa đáng. Chẳng hạn, với ngôi nhà họ ở hàng chục năm, qua nhiều thế hệ, gắn liền với công việc, học tập..., khi phải chuyển đi quá xa hầu như không ai muốn. Chưa kể khi thu hồi đất, mức đền bù có chỗ cao, nơi thấp, dẫn đến người dân so sánh. Trong khi những người trực tiếp bị ảnh hưởng, phải di dời lại có thể không được hưởng lợi từ dự án đó khi hoàn thành. Do vậy, bà Tố Trâm cho rằng phải giải quyết vấn đề này thật hài hòa giữa các bên mới tạo được sự đồng thuận.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá dự án kênh Hàng Bàng giai đoạn 2 quy mô không nhỏ và việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như tái định cư cho người dân cần nỗ lực rất lớn.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng cần xác định 2 hướng tác động, gồm người cuối cùng được hưởng lợi và người bị ảnh hưởng trực tiếp, phải giải tỏa, di dời một cách thật cụ thể. "Vấn đề này trong quản lý và điều hành cần chủ trương, chính sách phù hợp. Bởi có những trường hợp bị ảnh hưởng ít nhưng lại là đối tượng hưởng lợi nhiều khi dự án hoàn thành. Ngược lại, có những người bị ảnh hưởng rất nhiều nhưng lại hưởng lợi ít bởi đa số đều phải chuyển đi nơi khác" - Chủ tịch HĐND TP HCM phân tích.
Bà Nguyễn Thị Lệ chỉ rõ đây không chỉ là trách nhiệm của các địa phương liên quan, chủ đầu tư mà còn cần cả hệ thống chính trị, lãnh đạo TP vào cuộc xử lý.
Tại dự án kênh Hàng Bàng có nhiều hộ muốn được hoán đổi vị trí nền đất ở khu vực lân cận. Song, theo phân bổ quỹ nhà đất tái định cư, tại quận 6 không có nền, chỉ có căn hộ nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ thực hiện".
Đại diện UBND quận 6, TP HCM
Đẩy nhanh dự án chống sạt lở ở Bình Chánh
Một dự án đặc biệt quan trọng và cấp bách cũng được nêu ra tại buổi giám sát của HĐND TP HCM là dự án chống sạt lở tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Theo UBND huyện Bình Chánh, hồi tháng 8-2018, địa phương đã niêm yết đơn giá T1 và đến tháng 5-2019, khi trình đơn giá T2 để phê duyệt triển khai thì không có vị trí tái định cư. Vì vậy không được thông qua đơn giá bởi theo quy định, giá bồi thường và giá tái định cư phải thực hiện cùng một thời điểm. Do không có giá tái định cư nên không thể duyệt được giá bồi thường...
Các đại biểu HĐND TP đánh giá dự án này hết sức cấp bách bởi liên quan đến tính mạng của người dân trong bối cảnh mùa mưa bão đã tới, trong khi khu vực trên nằm trong danh mục có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Trước vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ lập tức đề nghị huyện Bình Chánh khẩn trương phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính và các bên liên quan làm đầy đủ các hồ sơ, thủ tục pháp lý để khi có mức giá thì áp dụng ngay, không thể chần chừ. Riêng chủ đầu tư phải chuẩn bị sẵn các bước để khi có mặt bằng thì thi công ngay. "Còn phía HĐND TP, chúng tôi sẽ làm việc với UBND TP và các sở - ngành liên quan để tháo gỡ nhanh nhất những vấn đề thuộc thẩm quyền, càng gấp rút càng tốt bởi tính mạng của người dân là trên hết" - Chủ tịch HĐND TP HCM nói.
Kỳ tới: Quyết thông cửa ngõ phía Đông
Bình luận (0)