Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia cảnh báo đất nước này đang bên bờ vực thảm kịch quốc gia dịch bệnh. Sức nóng đó cũng đang tỏa nhiệt tại Thái Lan, Ấn Độ - những nước đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Với truyền thống yêu thích lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, đi lại vui chơi, nhất là trong các dịp hội hè càng đặt ra nhiều thách thức, sức ép nặng nề cho công tác phòng chống lây lan dịch bệnh.
Việt Nam - Campuchia có chung biên giới trên bộ dài 1.137 km, từ điểm cực Bắc là cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia đến điểm cực Nam là điểm bờ biển vịnh Thái Lan ở tỉnh Kiên Giang với 10 tỉnh biên giới và vùng biển tiếp giáp. Đặc biệt là tuyến biên giới Tây Nam và một phần Đông Nam Bộ kết nối với các trung tâm du lịch, giao thương là TP HCM, Cần Thơ, Phú Quốc, đặt các địa phương này trước nhiều thách thức tiềm ẩn lây nhiễm dịch bệnh.
Cộng đồng Khmer Nam Bộ với gần 1,3 triệu ngưới có chung dân tộc, văn hóa, tôn giáo và thường xuyên có mối liên hệ giao lưu, gắn bó với người Khmer ở Campuchia. Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây không chỉ là dịp đồng bào 2 quốc gia tăng cường đi lại, thăm viếng, chúc mừng nhau mà các tổ chức, cơ quan, chính quyền, đặc biệt là các tỉnh có chung biên giới của 2 nước, thường xuyên có những hoạt động giao lưu, trao đổi. Cộng với tâm lý "độ nén lò xo" sau các đợt bùng phát dịch, giãn cách xã hội, kể cả tâm lý dễ chủ quan của người dân khi trong nước đạt được những thành công nhất định trong khống chế dịch bệnh vừa qua. Du lịch trong nước cũng được dự báo bùng nổ trong dịp lễ 30-4, 1-5 và du lịch hè liền kề sau khi học sinh, sinh viên kết thúc năm học… Đó chính là lúc dễ lơ là tạo ra các "lỗ hổng" phòng dịch. Thực tế là gần đây các ca nhiễm dịch Covid-19 đã được phát hiện ở các tỉnh biên giới như Long An, Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước đều liên quan đến yếu tố nhập cảnh.
Để dập dịch, ngoài vấn đề chuyên môn thì đòi hỏi mọi người dân phải có niềm tin, sự bình tĩnh, sáng suốt, tinh thần đoàn kết một lòng với quyết tâm cao nhất. Yêu cầu chống dịch chưa cần thiết phát động cấp quốc gia, thì cũng cần được xem xét kích hoạt lên mức độ cao hơn ở các khu vực trọng điểm và tuyến biên giới Tây Nam. Thực tiễn cho thấy "chiếc áo giáp" an toàn cho người dân trước dịch bệnh không chỉ được bảo đảm bằng việc lập trạm, tuần tra, kiểm soát, hay chỉ triển khai đơn điệu bằng các biện pháp chuyên môn y tế, an toàn vệ sinh dịch tễ mà còn là thế trận tổng lực. Trong tình hình hiện nay, không chỉ là việc chặn mầm bệnh từ bên ngoài biên giới quốc gia mà cần được quán triệt, thực hiện phòng chống dịch bằng "biên giới mềm".
Chống dịch như chống giặc không chỉ là yêu cầu, quyết tâm mà thật sự là một cuộc chiến không tiếng súng.
Bình luận (0)