Mới đây, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM phối hợp cùng Công an TP Thủ Đức và các quận, huyện kiểm tra 11 tiệm sửa xe, cơ sở gia công, kinh doanh phụ tùng, linh kiện trên địa bàn.
Ranh giới mong manh
Lực lượng chức năng phát hiện các cơ sở này có dấu hiệu kinh doanh thêm dịch vụ "làm thay đổi đặc tính, kết cấu xe, độ xe". Nhiều xe máy bị thay đổi đặc tính so với tiêu chuẩn; nhiều linh kiện, phụ tùng thiếu giấy tờ chứng minh nguồn gốc cũng được phát hiện tại những điểm trên.
Đại diện Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết hồ sơ những "lò độ xe" được bàn giao cho lực lượng chức năng địa phương tiếp tục điều tra, xử lý.
Trước đó, trong đêm 11-2, Công an tỉnh Tiền Giang vây bắt 44 "quái xế" trên Quốc lộ 1, nhiều đối tượng trong số này thừa nhận mục đích đua xe còn nhằm quảng cáo cho các "lò độ xe" của mình.
CSGT kiểm tra một “lò độ, chế” xe. (Ảnh do công an cung cấp)
Lần tìm trên mạng xã hội, phóng viên nhận thấy đang tồn tại nhiều "cộng đồng" yêu thích, theo dõi những tài khoản chuyên quảng cáo dịch vụ độ, chế xe, thậm chí khuyến khích đua xe tốc độ cao. Trong những "cộng đồng" đó, nhiều "idol" sở hữu số lượng quan tâm lên tới hàng trăm ngàn.
Điển hình, một tài khoản TikTok có tên H.Đ.T chuyên đăng tải clip độ, chế xe và chạy xe tốc độ cao trên đường thu hút hơn 96.000 tài khoản theo dõi. Có bài đăng đạt hơn 1,2 triệu lượt xem. Một tài khoản khác "có số má" trong giới chơi xe độ tên T.Đ.R chuyên đăng nội dung "đồ chơi xe máy" sở hữu đến 152.900 lượt theo dõi trên TikTok.
Có thể thấy, rất nhiều thành viên mạng xã hội bị ảnh hưởng bởi những hành vi độc hại, xem thường pháp luật của "quái xế" cũng như những cơ sở tiếp tay bằng việc "nhào nặn" thông số kỹ thuật xe. Ranh giới từ quan tâm, tung hô đến bắt chước rất mong manh, gây hậu quả khó lường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc xử lý các "lò độ" tiếp sức vấn nạn đua xe trái phép gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông không đơn giản.
Chứng minh vi phạm để xử lý
Luật sư Nguyễn Thành Công - Giám đốc Công ty Đông Phương Luật - cho biết pháp luật không cho phép việc "độ, chế" làm thay đổi kết cấu xe. Theo khoản 1 điều 55 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Khoản 2 điều 55 quy định chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, hệ thống của xe sai với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
CSGT làm việc với một chủ “lò độ”. (Ảnh do công an cung cấp)
Theo Nghị định 123/2021, chủ xe máy có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 4 triệu đồng với các hành vi tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông; tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe... Các quy định vừa dẫn chủ yếu tập trung xử lý hành vi của chủ phương tiện hoặc hành vi thiếu giấy tờ chứng minh nguồn gốc thiết bị, hành vi không bảo đảm phòng cháy - chữa cháy của chủ cơ sở.
"Nếu không có cá nhân hoặc cơ sở độ, chế để biến thành sản phẩm hoàn chỉnh thì sẽ hạn chế đáng kể việc đua xe hay gây rối trật tự công cộng. Song, hiện nay chưa có quy định trực tiếp xử phạt các cá nhân, cơ sở thực hiện độ, chế môtô, xe máy cho khách hàng" - luật sư Công nhận xét.
Hai tài khoản chuyên đăng clip “độ, chế”, thậm chí chạy xe tốc độ cao trên TikTok. Ảnh: TRẦN THÁI
Theo luật sư Trương Văn Tuấn (Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn), tình trạng các tiệm sửa xe thêm dịch vụ "làm thay đổi đặc tính, kết cấu, độ xe" đã tồn tại từ lâu. Ông cho rằng các biện pháp chế tài khi xử lý hành vi vi phạm sẽ quyết định hiệu quả việc ngăn chặn các tiệm thay đổi đặc tính, kết cấu, độ xe như xử lý vi phạm hành chính, rút giấy phép có thời hạn hoặc vô thời hạn. Đối với các trường hợp tái phạm có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người thực hiện việc độ xe biết được người sử dụng dùng xe đã độ vào mục đích trái pháp luật mà vẫn thực hiện việc độ xe do hám lợi gây hậu quả nghiêm trọng
Tuy nhiên, cũng theo luật sư Tuấn, việc xử lý vi phạm phải chứng minh là các thợ tại tiệm đang thực hiện việc thay đổi đặc tính, kết cấu, độ xe. "Tôi cho rằng việc này không khó. Khi kiểm tra có thể tách số xe đang sửa tại tiệm thành 2 nhóm - nhóm đã sửa xong và chưa sửa xong - để kiểm tra thông số kỹ thuật nhằm chứng minh hành vi vi phạm của tiệm đã độ xe" - ông Tuấn nói.
"Địa điểm ưa thích" của tội phạm
Đại diện Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM cho biết việc xử lý nghiêm các "lò độ xe", cơ sở kinh doanh phụ tùng không rõ nguồn gốc là bước đầu trong việc kéo giảm tình trạng đua xe trái phép.
Thông tin từ hội nghị tổng kết công tác phòng chống tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 chiều 1-3 cho hay nhiều nhóm tội phạm lợi dụng các lò độ, chế xe để cải tạo phương tiện, dùng lưu thông với tốc độ cao, gây án. Tại hội nghị, đại tá Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP HCM, đặt ra yêu cầu phải xử lý được tận gốc các lò độ, chế xe. Công tác xử lý phải được làm thường xuyên, triệt để.
Bình luận (0)