BHXH Việt Nam vừa có văn bản đề nghị áp tỉ lệ sử dụng biệt dược gốc (BDG) trong các tuyến bệnh viện (BV). Đề nghị của BHXH Việt Nam thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, yêu cầu Bộ Y tế và BHXH Việt Nam bổ sung quy định về mua BDG hết bản quyền để giảm giá thuốc thì tỉ lệ BDG được cấp đăng ký lưu hành vẫn tiếp tục tăng.
Bảo hiểm xã hội yêu cầu giảm tỉ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc tại các bệnh viện tuyến cuối
Cụ thể, để giảm chi phí sử dụng BDG trong năm 2017 và 2018, BHXH Việt Nam đề nghị BV tuyến trung ương điều chỉnh giảm với tỉ lệ sử dụng các mặt hàng thuốc này tối đa bằng 30% tổng chi phí thuốc. Đối với BV tuyến tỉnh, tỉ lệ sử dụng BDG tối đa bằng 5% tổng số chi thuốc. Riêng BV tuyến huyện không được sử dụng BDG, kể cả các cơ sở y tế ngoài công lập. BHXH đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo việc sử dụng BDG không vượt quá tỉ lệ tối đa đã thống nhất. Các BV phải kê đơn thay thế BDG hết hạn bản quyền bằng các thuốc generic nhóm 1. Sắp tới đây, BHXH Việt Nam cũng sẽ loại khỏi danh mục các BDG có hiệu quả sử dụng không vượt trội hơn thuốc generic nhóm 1.
Hiện nay, theo BHXH Việt Nam, việc sử dụng BDG trong các BV vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tỉ lệ sử dụng BDG trên cả nước năm 2016 ước tính chiếm khoảng 20%-23% trên tổng chi phí thuốc. Tỉ lệ này tại một số BV tuyến trung ương chiếm từ 45% (BV Chợ Rẫy) đến trên 50% (BV Bạch Mai).
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó trưởng Ban Dược và Vật tư y tế thuộc BHXH Việt Nam, dẫn chứng các thuốc thuộc loại BDG đã hết hạn bản quyền có giá chênh lệch khá lớn với thuốc generic nhóm 1 thay thế để thấy rõ sự cần thiết phải giảm tỉ lệ sử dụng BDG trong BV, hướng đến giảm gánh nặng chi phí cho bệnh nhân. Đơn cử, với thuốc tiêm Ceftriaxon 1g, các hội đồng đấu thầu trúng giá với mức 181.440 đồng/lọ, trong khi thuốc cùng loại nhóm 1 có tới 10 nơi đăng ký giá trúng thầu trung bình chỉ khoảng 25.000 đồng/lọ (thấp gấp 7 lần). Thuốc Paclitaxel 100ng có giá trúng thầu tới 3.927.000 đồng/lọ, còn thuốc generic nhóm 1 thay thế với giá trúng thầu trung bình 871.000 đồng/lọ (chênh hơn 4 lần)...
Trước đề nghị của BHXH Việt Nam, nhiều BV tỏ ra lo lắng. PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K trung ương, cho rằng với các cơ sở điều trị tuyến cuối, siết kê đơn biệt dược có thể sẽ gây khó khăn trong việc điều trị cho bệnh nhân. "Tâm lý bác sĩ ai cũng muốn kê thuốc tốt nhất cho bệnh nhân, trong khi phần lớn bệnh nhân điều trị ở tuyến cuối đã bị "kháng" các dòng thuốc điều trị thấp hơn, chủ yếu là thuốc generic nên bác sĩ phải sử dụng BDG. Nếu siết kê đơn biệt dược sẽ làm khó bác sĩ, khiến việc kê đơn cũng cứng nhắc hơn" - PGS Thuấn băn khoăn.
Tiết kiệm lớn
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, đến nay, 101 BDG hết hạn bản quyền đã có thuốc generic nhóm 1 thay thế. Tổng chi phí của 101 thuốc BDG hết hạn bản quyền này là 2.024 tỉ đồng, nếu giảm giá về giá trúng thầu trung bình của thuốc generic nhóm 1 tương ứng sẽ tiết kiệm được trên 500 tỉ đồng (khoảng 25%). Ngoài ra, 76 loại BDG hết hạn bản quyền đã có 1 đến 2 số đăng ký thuốc generic nhóm 1 có thể thay thế trị giá 811 tỉ đồng, nếu giảm giá về giá trúng thầu trung bình của nhóm 1 tương ứng cũng sẽ tiết kiệm được 199 tỉ đồng.
Bình luận (0)