Khu Kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập vào năm 2006, diện tích trên 27.000 ha, nằm trên địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nơi đây được quy hoạch là đô thị cảng, đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
Chưa như kỳ vọng
KKT Chân Mây - Lăng Cô còn được xác định là một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại; trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng, đồng thời là đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao.
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, khẳng định trong Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị khẳng định chuỗi đô thị ven biển từ Lăng Cô đến Nam Hội An (tỉnh Quảng Nam) thành vùng đô thị ven biển. Chân Mây - Lăng Cô có sự gắn kết rất lớn với sân bay quốc tế Đà Nẵng, nên cần quy hoạch phát triển khu vực này để tạo sức bật cho địa phương.
TS Trần Du Lịch cho rằng cần tính toán lại quy hoạch KKT Chân Mây - Lăng Cô, nên phát triển khu vực này thành đô thị du lịch là chủ yếu, công nghiệp sạch chỉ chiếm một phần nhỏ và cảng Chân Mây trong tương lai là trung tâm cảng du lịch quốc tế.
Đến nay, sau gần 15 năm thành lập, KKT này thu hút 46 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 80.000 tỉ đồng, trong đó 20 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, 19 dự án đang triển khai.
Theo Ban Quản lý các KKT, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, lĩnh vực du lịch hiện nay ở KKT Chân Mây - Lăng Cô đã có một số dự án lớn với sức lan tỏa mạnh như Laguna Lăng Cô, khu nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn - Lăng Cô, khu phức hợp du lịch dịch vụ Đăng Kinh Long. Do đó, trong năm 2019, đơn vị này tập trung thu hút các dự án công nghiệp nhằm nâng cao tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách.
Kiến trúc sư (KTS) Huỳnh Quang, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định KKT quy hoạch ở đây đã chia tách các khu vực phát triển riêng về công nghiệp, du lịch và khu đô thị rất rõ ràng để đan xen, bổ trợ nhau cùng phát triển. Trong đó, quy hoạch khu đô thị Chân Mây theo trục từ chân núi Phước Tượng kéo dài ra cửa Chân Mây rất phù hợp trong tổng thể quy hoạch KKT này nhưng đến nay hầu như chưa có hình hài, ngay cả một văn phòng cũng chưa thấy.
Với lợi thế vịnh nước sâu nên hơn 20 năm qua, Chân Mây được đầu tư xây dựng cảng biển. Trong quy hoạch, ở đây có khu phi thuế quan, công nghiệp, dịch vụ hậu cảng nhưng hiện nay ngoài cảng này thì xung quanh vẫn chưa phát triển tương xứng. Không có dự án lớn nào đi vào hoạt động.
Hằng năm, việc chinh phục đỉnh Bạch Mã được các võ sinh Nghĩa Dũng Karatedo (Huế) thực hiện trước khi được phong huyền đai. Ảnh: LƯƠNG DUY CƯỜNG
Loay hoay Bạch Mã
Theo Quyết định số 1774 năm 2018 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương (KKT Chân Mây - Lăng Cô) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì khu du lịch này có diện tích khoảng 9.490 ha, có không gian kết nối chặt chẽ với Vườn Quốc gia Bạch Mã.
KTS Huỳnh Quang nói từ năm 1995, một công ty Malaysia chuyên về lập quy hoạch vùng đã khẳng định cơ sở vật chất phát triển du lịch tam giác Cảnh Dương - Lăng Cô - Bạch Mã thuộc loại tốt nhất Việt Nam, có sự gắn kết, bổ trợ lẫn nhau. Ông cho rằng Bạch Mã có điều kiện du lịch sinh thái vượt trội Bà Nà (Đà Nẵng), Cảnh Dương - Lăng Cô có bãi biển, vịnh đẹp kết hợp với đầm Lập An. Đây là tam giác phát triển du lịch không thể tách rời nhau và có tầm quan trọng trong sự phát triển của KKT Chân Mây - Lăng Cô. Nếu một trong 3 điểm trên bị bỏ quên thì trục phát triển du lịch ở đây sẽ yếu kém.
Từ thực tế, KTS Huỳnh Quang nhận xét Lăng Cô hiện vẫn khá buồn tẻ, chỉ có những cơ sở lưu trú nhỏ, dự án chưa xứng tầm, nhiều chủ đầu tư sau khi khởi công, động thổ thì bỏ đi. Trong khi đó, khai thác du lịch sinh thái Bạch Mã quá chậm chạp.
"Tôi từng làm quy hoạch phát triển du lịch trên đỉnh Bạch Mã, chính quyền cũng kêu gọi doanh nghiệp lên đầu tư, sửa chữa một số biệt thự cổ thời Pháp để khai thác du lịch nhưng chẳng hiệu quả vì chưa có nhà đầu tư nào tầm cỡ, tâm huyết nên rất khó phát triển" - ông Quang nhận định.
Ngày 13-10-2018, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Bạch Mã sau nhiều năm triển khai nghiên cứu. Đồ án gây sự chú ý với diện tích nghiên cứu 400 ha, trong đó 300 ha ở đỉnh Bạch Mã và kết nối bằng cáp treo. Đến nay, hơn một năm trôi qua, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học và người dân vẫn đợi chờ phê duyệt đề án trên để đánh thức Bạch Mã.
Ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết sau hội thảo, UBND tỉnh này đã chỉ đạo đơn vị tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện đồ án quy hoạch dựa trên các ý kiến góp ý. Cuối năm 2019, sở này tham mưu cho UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành báo cáo gửi Thủ tướng để xin ý kiến thống nhất trước khi tỉnh tổ chức phê duyệt đồ án quy hoạch.
"Chúng tôi dự kiến tổ chức thẩm định đồ án quy hoạch trong quý II/2020 để trình tỉnh phê duyệt. Do phạm vi lập quy hoạch thuộc Vườn Quốc gia Bạch Mã, là một trong 7 khu vực bảo tồn tự nhiên lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam, nên thời gian lập đồ án kéo dài so với kế hoạch" - ông Thắng nói.
KTS Huỳnh Quang khẳng định ở khu Chân Mây - Cảnh Dương đã có dự án Laguna Lăng Cô đẳng cấp cao, có sự ảnh hưởng lớn đến phát triển du lịch thì đối với Bạch Mã và Lăng Cô cũng cần có những dự án, nhà đầu tư như vậy.
"Bạch Mã phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp nên cần những nhà đầu tư lớn của thế giới, có chiến lược và tâm huyết. Địa phương ngoài việc trải thảm đỏ, cần trải cả tấm lòng của mình để đón chào những nhà đầu tư như vậy" - ông Quang nêu quan điểm.
Cam kết tạo điều kiện tốt nhất
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định địa phương này đang đẩy mạnh các hoạt động đầu tư xây dựng và chính sách ưu đãi, tạo quỹ đất sạch nên hứa hẹn sẽ thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thương hiệu đến. Ông nói các nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn an tâm bởi ngoài những cơ chế ưu đãi của Chính phủ, Thừa Thiên - Huế cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất khi họ đến với Huế.
Hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung kêu gọi những dự án, nhà đầu tư chiến lược có chất lượng ở các lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là các dự án sản xuất công nghệ cao có quy mô lớn, có sức lan tỏa.
Bình luận (0)