Bởi lẽ, việc hủy bỏ quyết định bổ nhiệm Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Thanh Hóa gây bức xúc trong dư luận là do nhân sự được bổ nhiệm là ông Ngô Văn Tuấn có đơn xin chuyển về vị trí công tác cũ và được chấp thuận theo nguyện vọng chứ không phải hủy bỏ là để thừa nhận sai và nhất là nhận trách nhiệm. Ngay vị tân chánh văn phòng chưa làm việc một ngày nào trên cương vị mới cũng xin rút là do "áp lực quá lớn của dư luận" chứ không phải là do nhận thấy bản thân không xứng đáng, không đủ uy tín để làm việc.
Giới chức có trách nhiệm trong việc bổ nhiệm ông Tuấn cho tới nay vẫn cho rằng việc bổ nhiệm người bị Thủ tướng Chính phủ cách chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa hồi tháng 1-2018 này là… "đúng quy trình". Họ viện dẫn nào là từ hội nghị giới thiệu nguồn, quy hoạch nguồn cấp phòng… cho tới tham mưu, đề xuất và ký quyết định bổ nhiệm đều chặt chẽ theo đúng quy định hiện hành trong công tác nhân sự, cán bộ.
Thế nhưng, những cá nhân và tổ chức hữu trách lại "quên" việc nhân sự làm quy trình bổ nhiệm là một cán bộ như thế nào. Trong quyết định thi hành kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng, Ban Bí thư đã nêu rõ lý do là để xảy ra nhiều vi phạm được đánh giá là rất nghiêm trọng, trong đó có việc "nâng đỡ không trong sáng" đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên Trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Sở Xây dựng Thanh Hóa.
Một nhân sự từng có những vi phạm "rất nghiêm trọng", trong đó có vi phạm xảy ra ngay tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, liệu có đủ tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức, uy tín để bổ nhiệm vào chức vụ chánh văn phòng? Không còn nhân sự nào trong sở và địa phương xứng đáng hơn được bổ nhiệm vào chức vụ này?... Rõ ràng, rất khó để giải thích rằng đã là "đúng quy trình" trong trường hợp bổ nhiệm ông Ngô Văn Tuấn vào chức vụ Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Thanh Hóa.
Công tác cán bộ luôn rất quan trọng, quyết định tới chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cả đơn vị, địa phương. Vì thế, đã có những quy định, quy trình để bảo đảm tìm kiếm, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ vào các vị trí tương xứng. Tuy nhiên, quy trình dù có chặt chẽ tới đâu vẫn có thể bị lợi dụng bởi con người thực thi không trong sáng, không chí công vô tư. Khi đó, quy trình có khi lại trở thành nơi để người ta "núp bóng" để thực hiện các ý đồ cá nhân như chạy chức, chạy quyền, câu bè kết cánh…
Việc ký quyết định bổ nhiệm (ngày 29-3) ông Ngô Văn Tuấn làm Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Thanh Hóa rồi hủy quyết định (ngày 2-4) chỉ sau có vài ngày như vậy không thể giải trình rằng đã làm đúng quy trình. Truy và làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm từ tham mưu, đề xuất tới ký quyết định trong vụ bổ nhiệm gây bức xúc dư luận này chính là cách ngăn ngừa hiệu quả việc "núp bóng" quy trình trong công tác cán bộ.
Bình luận (0)