Chính phủ vừa ban hành Nghị định 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là hụi) sau nhiều vụ việc vỡ hụi lên tới hàng trăm tỉ đồng, gây những hệ lụy xấu trong đời sống xã hội.
Đóng hụi nên có biên nhận
Nghị định lần này đưa ra những nội dung khắt khe hơn khi chủ dây hụi và thành viên tham gia phải đủ từ 18 tuổi trở lên; không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ Luật Dân sự.
Nhằm bịt lỗ hổng khi xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến hụi, lần này Chính phủ quy định thỏa thuận về dây hụi được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thỏa thuận này phải được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu. Trường hợp thỏa thuận về dây hụi được sửa đổi, bổ sung thì văn bản sửa đổi, bổ sung phải thực hiện theo quy định nêu trên. Quy định này được kỳ vọng là cơ sở để giải quyết các tranh chấp khi ra tòa hoặc phát sinh những vấn đề rủi ro vỡ hụi như thời gian qua.
Đáng chú ý, khi góp hụi, lĩnh hụi, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan thì thành viên có quyền yêu cầu chủ hụi hoặc người lập và giữ sổ hụi cấp giấy biên nhận về việc đó. Nếu như trước đây, các công việc này hầu như nhiều dây hụi đều thực hiện rất sơ sài, thậm chí cả người chơi lẫn chủ hụi đều không quan tâm thì nay được quy định rõ trong Nghị định 19/2019. Các chuyên gia pháp lý cũng khuyến nghị người dân khi tham gia dây hụi cần chú ý thực hiện đầy đủ các quy định này để tự bảo vệ mình cũng như làm căn cứ khi xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện.
Tuy nhiên, luật sư (LS) Bùi Anh Tuấn (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng những rủi ro xảy ra khi tham gia hụi là do người cầm dây hụi đó cố tình chiếm đoạt tài sản của những người khác. Văn bản thỏa thuận có công chứng hay không chỉ nhằm đáp ứng về mặt niềm tin, không ngăn được các mặt trái của chơi hụi. "Đây hoàn toàn là quan hệ dân sự nên nếu các chủ hụi không thực hiện theo các quy định này thì rất khó để giám sát bởi trên thực tế, hầu như địa phương nào cũng có hoạt động này. Chưa kể đến việc nếu chủ hụi, người tham gia hụi không tuân thủ quy định thì xử phạt theo chế tài như thế nào, có đủ răn đe không" - LS Tuấn phân tích.
Nhiều người dân ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp bức xúc vì chủ hụi Nguyễn Thị Tích Ngân cùng chồng chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng rồi bỏ trốn. Ảnh: LÊ KHÁNH
Chính quyền phải biết
Điểm mới và được quan tâm nhất của Nghị định 19/2019 là chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp sau: Tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở từ 100 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức từ hai dây hụi trở lên.
Đối với việc khai báo khi mở hụi, ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp), cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định - cho biết quy định này được đưa ra để chính quyền địa phương nắm thông tin; không phải thực hiện trách nhiệm giám sát việc mở hụi, duy trì dây hụi trên địa bàn. Theo ông Tú, thực tế nhiều năm qua, việc chơi hụi ở địa phương chính quyền đều không nắm được, chỉ khi chủ hụi "ôm" tiền bỏ trốn thì người dân mới trình báo.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế nhấn mạnh chính quyền địa phương sẽ không can thiệp vào hoạt động của các dây hụi trên địa bàn mà chỉ có trách nhiệm nắm thông tin, kịp thời phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về dây hụi với cơ quan công an có thẩm quyền.
Trong trường hợp chủ dây hụi không thực hiện nghĩa vụ khai báo với chính quyền địa phương, Nghị định nêu rõ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, LS Trương Quốc Hòe (Đoàn LS TP Hà Nội) bày tỏ lo ngại khi cơ quan nào, lực lượng nào sẽ đi giám sát việc mở dây hụi để tìm ra những trường hợp không khai báo hay phải đợi đến khi vỡ hụi thì mới nắm được thông tin.
LS Hòe đề xuất nên quản lý mở hụi như một loại hình kinh doanh vì bản chất những người tham gia dây hụi đều thu được một khoản lợi nhuận. "Nếu người dân có một khoản tiền nào đó mà họ chỉ cất trong nhà thì không thể tính lời, còn tham gia hụi, họ thì được hưởng lãi suất, đây cũng là một hình thức làm ăn trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện" - ông Hòe nói.
Chính phủ cũng đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về lãi suất để ngăn chặn việc mở hụi bị biến tướng. Theo đó, lãi suất trong hụi do các thành viên của dây hụi thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp.
Có chuyện thì ra tòa
Nghị định nêu rõ trong trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu tòa án giải quyết. Ngoài ra, chủ hụi, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi.
Bình luận (0)