Họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là hụi) không phải là một hình thức mới trong đời sống xã hội mà đã được quy định cụ thể trong Nghị định 144/2006/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường được ban hành trên cơ sở quy định tại Bộ Luật Dân sự năm 2005. Thời điểm đó, hoạt động hụi được ghi nhận là một tập quán tốt đẹp, tương thân tương ái trong đời sống nhân dân.
Chơi hụi biến tướng... vỡ nợ trăm tỉ
Sau hơn 12 năm thi hành Nghị định 144, hình thức hụi đã xảy ra nhiều biến tướng, trở thành hoạt động huy động vốn, cho vay nặng lãi. Từ đó lộ ra nhiều khoảng trống pháp lý. Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ vỡ hụi với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng khiến dư luận lo ngại, trong khi đó việc xử lý tranh chấp gặp nhiều khó khăn do những quy định về hụi, họ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, hình thức hụi đa phần bị biến tướng để huy động vốn trả lãi cao, đánh vào lòng tham của người dân bằng những hợp đồng "miệng" đầy rủi ro.
Tháng 9-2017, hơn 70 người dân xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam choáng váng khi chủ hụi ôm 3,7 tỉ đồng bỏ trốn Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Các dây hụi thường được thiết lập rất sơ sài với sổ sách viết tay, không có công chứng. Các thành viên đóng hụi cũng không được cập nhật đầy đủ chữ ký, thông tin, thời gian...
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, pháp luật hiện tại chỉ quy định những người khi tham gia chơi hụi có thể thỏa thuận bằng văn bản hoặc bằng miệng nên rất rủi ro. "Khi người chơi thỏa thuận đóng hụi với nhau qua lời nói, hoàn toàn không có một văn bản pháp lý nào cả thì khi tranh chấp xảy ra thì rất khó giải quyết, thiếu căn cứ, nên việc bảo vệ quyền lợi cho người bị chiếm đoạt tài sản là rất khó" - ông Hiếu phân tích.
Nghị định mới mà Bộ Tư pháp đang xây dựng đã đưa ra quy định về thỏa thuận về hụi để xóa bỏ những khoảng trống pháp lý. Theo đó, thỏa thuận về dây hụi được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thỏa thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu chủ hụi và các thành viên có yêu cầu (không bắt buộc). Trường hợp dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở từ 100 triệu đồng trở lên thì văn bản thỏa thuận bắt buộc có công chứng, chứng thực.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư (LS) Trần Tuấn Anh (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng việc thỏa thuận bằng văn bản và công chứng, chứng thực cũng khó có thể ngăn chặn việc vỡ hụi như thời gian vừa qua. Bởi theo ông Tuấn, kể cả các văn bản thỏa thuận về hụi giữa các cá nhân với nhau không công chứng, chứng thực cũng có giá trị pháp lý. "Vấn đề hụi, họ là một hình thức tốt, tương trợ tài chính lẫn nhau trong dân. Việc công chứng, chứng thực càng gây phiền phức cho người dân mà không có giá trị ngăn chặn các biến tướng tiêu cực" - LS Trần Tuấn Anh nhận định.
Thêm trách nhiệm cho UBND xã
Bộ Tư pháp cũng xây dựng dự thảo theo hướng các dây hụi có tổng số tiền của một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên thì người tham gia có quyền và chủ hụi có nghĩa vụ thông báo đến UBND cấp xã nơi họ cư trú thời gian bắt đầu và kết thúc dây hụi, giá trị của kỳ mở hụi, tổng số thành viên.
LS Bùi Đình Ứng (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng việc yêu cầu người đứng đầu nhóm chơi hụi phải khai báo thông tin với chính quyền là cần thiết để tránh việc "mập mờ, lợi dụng lòng tin chiếm đoạt tài sản". Theo ông Ứng, việc chơi hụi là hoạt động dân sự bình thường ở nhiều nơi nhưng chính quyền địa phương hầu như không được khai báo, đến khi xảy ra vỡ hụi thì mới biết thông tin.
Tuy nhiên, LS Trần Tuấn Anh lại không đồng tình với việc khai báo này bởi chơi hụi là giao dịch dân sự, trên tinh thần tự nguyện của người dân, không phải giao dịch có điều kiện nên không cần khai báo.
Dự thảo nghị định cũng nêu rõ UBND cấp xã có trách nhiệm thống kê thông tin về chủ hụi, thời gian bắt đầu và kết thúc dây, giá trị của kỳ mở hụi, tổng số thành viên theo thông báo về dây hụi có giá trị các phần tại một kỳ mở từ 100 triệu đồng trở lên và kịp thời phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về hụi với cơ quan có thẩm quyền. LS Ứng cho rằng quy định này không hợp lý khi đang thêm trách nhiệm cho chính quyền cấp xã, phường.
"Chỉ nên quy định nghĩa vụ khai báo của người chơi hụi, chính quyền tiếp nhận, nắm bắt thông tin, trong trường hợp xảy ra sự cố thì có cơ sở để báo cáo, xử lý. Không nên quy trách nhiệm cho chính quyền phải thống kê thông tin về việc chơi hụi" - LS Ứng nói và khẳng định việc này sẽ không khả thi bởi sẽ phải bố trí thêm cán bộ theo dõi. Trong khi đó, hiện tại cán bộ công chức cấp xã, phường không thể đủ thời gian, nhân lực, chuyên môn để theo dõi, nắm bắt, thống kê các hoạt động hụi.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp cho biết bộ ủng hộ phương án này bởi đây là cách thức phù hợp để chính quyền cơ sở nắm bắt được tình hình quan hệ về hụi ở địa phương. Việc vào sổ ghi nhận thông tin, thống kê dây hụi có tính khả thi, không phức tạp (không phải là thủ tục hành chính) nên không gây thêm áp lực cho chính quyền cơ sở.
Các LS kiến nghị giải pháp để ngăn chặn các biến tướng khi chơi hụi ngoài việc bít các kẽ hở về mặt pháp lý thì phải tuyên truyền cho người dân về những rủi ro khi tham gia hình thức này. Đối với người chơi hụi, LS Ứng cho rằng cần có tài sản bảo đảm để chắc chắn việc giật hụi là không thể.
Khống chế số tiền hay số dây hụi?
Cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án về điều kiện đối với chủ hụi. Theo phương án 1, một người được làm chủ hụi của một hoặc nhiều dây hụi tại cùng một thời điểm nếu tổng giá trị các phần hụi tại một kỳ mở của các dây hụi không quá 200 triệu đồng, trừ trường hợp có sự đồng ý của tất cả thành viên của các dây hụi. Phương án 2 quy định một người được làm chủ hụi không quá 2 dây tại cùng một thời điểm.
Bộ Tư pháp ủng hộ phương án 1 bởi sẽ hạn chế được tình trạng một cá nhân làm chủ hụi chuyên nghiệp, có thu nhập chính từ việc làm chủ hụi dẫn đến nhiều biến tướng trong quan hệ về hụi.
Bình luận (0)