Ngày 4-9, tại Nhà Quốc hội (QH), Ủy ban Tư pháp của QH họp phiên toàn thể lần thứ 11, thẩm tra các báo cáo của cơ quan tư pháp, chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 6 QH khóa XII.
Móc ngoặc tạo "sân sau" hoặc rút tiền nhà nước
Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018 do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, trình bày cho thấy hoạt động của các băng nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại; có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường. Đối với tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, đã phát hiện hơn 16.000 vụ; tội phạm và vi phạm pháp luật về tham nhũng, chức vụ 282 vụ.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, nhờ tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp nên tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Các đối tượng phạm tội đã triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các nhóm lợi ích hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo "sân sau", "công ty gia đình", dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu các dự án, thâu tóm đất công, cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Thượng tướng Vương nhấn mạnh thời gian qua, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước, đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình ủng hộ, điển hình như các vụ án: Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"), Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc").
Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về báo cáo của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, khẳng định bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật còn một số hạn chế. Đáng chú ý, một số tội phạm xảy ra ngay trong chính cơ quan phòng chống tội phạm, có sự tiếp tay hoặc tham gia của một số sĩ quan cấp cao trong lực lượng công an. Một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo nhóm lợi ích hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ để tạo các tổ chức "bình phong" để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước.
Ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần có hiệp định tương trợ tư pháp với một số nước châu Âu, Mỹ để ngăn chặn tội phạm trốn ra nước ngoài
Ai kiểm soát Vũ "nhôm", Út "trọc"?
Hàng loạt vụ án lớn xảy ra thời gian qua được dư luận đặc biệt quan tâm như vụ Vũ "nhôm", Út "trọc" liên quan đến nhiều vị tướng lĩnh hay vụ án đánh bạc ngàn tỉ liên quan đến một số tướng lĩnh của Bộ Công an, đã được đề cập, thảo luận tại phiên họp buổi chiều.
Đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới các hiệp định thỏa thuận tương trợ tư pháp với những nước như châu Âu, Mỹ. Bởi theo ông, có tình trạng khi chúng ta "đốt lò nóng lên" thì các đối tượng phạm tội lại "nhảy" qua các nước đó. Thậm chí những đối tượng này đã chuẩn bị tiền bạc, nhà cửa, hồ sơ pháp lý, đưa vợ con đi từ 5-10 năm trước. "Chính vì vậy, cần có hiệp định tương trợ tư pháp để ngăn chặn, nếu không, tội phạm khi thoát ra nước ngoài cứ nhởn nhơ, gây sự bất công rất lớn" - đại biểu Nghĩa kiến nghị.
Nói thêm về vụ việc Vũ "nhôm" và Út "trọc", đại biểu Nghĩa đặt ra nhiều băn khoăn: Những ông này là doanh nhân hay lực lượng vũ trang? Họ được đào tạo thế nào, quy trình bồi dưỡng ra sao và ai là người kiểm soát, ai là người lãnh đạo mà lại để xảy ra như vậy? Vấn đề cơ chế kiểm soát đối với những hoạt động mang tính chất "bình phong", hay lực lượng vũ trang làm kinh tế, chúng ta đã có đầy đủ chưa?... "Ở một số nước, hoạt động tình báo hay đặc tình thì QH giám sát và có một ủy ban đặc biệt giám sát, hằng năm phải có báo cáo về hoạt động này. Còn chúng ta thì giám sát thế nào? QH có giám sát không?" - đại biểu Nghĩa nêu.
Trước những phát biểu thẳng thắn trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói ở phiên trả lời chất vấn vừa qua, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã nêu rõ đây là những bài học rất đau xót của ngành.
Đánh giá cao những kết quả đạt được như báo cáo nêu rõ nhưng đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) bày tỏ lo ngại tội phạm kinh tế, tham nhũng vẫn tăng lên đáng quan ngại. Trong các nguyên nhân mà báo cáo chỉ ra, chưa thấy bóng dáng đánh giá kiểm soát nội bộ, hay việc quản lý của người đứng đầu.
"Dư luận xã hội không thực sự hài lòng khi một số cán bộ cấp cao trong ngành công an vừa qua vi phạm rất nghiêm trọng lại chỉ bị hạ quân hàm, chứ không phải tước quân hàm" - ông Kim nhấn mạnh.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật Hành chính công
Chiều cùng ngày, Ủy ban Pháp luật của QH tổ chức phiên họp mở rộng, thẩm tra dự án Luật Hành chính công. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Trưởng Ban Soạn thảo dự án Luật Hành chính công, cho biết dự án luật được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và hoạt động của bộ máy công quyền trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá đây là dự án luật do một cá nhân đại biểu QH trình. Thời gian qua, ban soạn thảo đã rất nỗ lực, tiến hành các công việc cần thiết chuẩn bị hồ sơ dự án. Dù vậy, qua nghiên cứu hồ sơ dự án luật và văn bản tham gia ý kiến của Chính phủ, cho thấy Chính phủ còn băn khoăn về nhiều nội dung từ sự cần thiết, tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật… Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nhiều ý kiến của Chính phủ cần phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện dự án luật này.
Bình luận (0)