Cơ quan công an đã thu giữ nhiều tài liệu thể hiện chủ phòng khám ký tên, đóng dấu xác nhận bệnh lên "giấy chứng nhận nghỉ việc, hưởng BHXH" cho người đi mua loại giấy này, trong khi người đi khám không có bệnh. Với cách xác nhận khống bệnh trên, người giả bệnh lấy giấy này về nộp cho doanh nghiệp để làm cơ sở được BHXH chi trả lương.
Ngoài ra, chủ một số phòng khám còn "phù phép" hồ sơ của bệnh nhân giả hoặc tạo dựng hồ sơ người khám bệnh để trục lợi BHYT.
Tình trạng trục lợi BHXH, BHYT không phải mới, từng diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Những thủ đoạn thường áp dụng là làm giấy nghỉ ốm để nhận tiền BHXH hoặc đóng BHXH vừa đủ 6 tháng trước khi sinh con để hưởng trợ cấp thai sản; sau khi nghỉ hưởng hết thời gian thai sản thì xin nghỉ việc để nhận trợ cấp một lần; thông đồng tăng lương cao lên cho người lao động (NLĐ) để nhận khoản trợ cấp cao hơn.
Đó là những hành vi vi phạm của NLĐ, còn các đối tượng và tổ chức phạm pháp thì có nhiều chiêu thức tinh vi hơn, như mua bán sổ BHXH, cho người đi khám bệnh BHYT nhiều lần; làm giả các giấy xác nhận, hồ sơ để trục lợi. Các đối tượng sau khi thu gom, mua sổ BHXH đã làm giả, lập khống hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp một lần nhằm chiếm đoạt tiền BHXH.
Nhiều đối tượng còn lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan chức năng để hưởng các chế độ bảo hiểm.
Điển hình như tại TP HCM, cơ quan Công an đã điều tra vụ việc Phạm Thị Ngọc Hằng và Lê Thành Thắng lập 10 công ty "ma" ở 6 quận, huyện trong thành phố để trục lợi chế độ thai sản hơn 1,3 tỉ đồng. Công an tỉnh Hải Dương điều tra, phát hiện Nguyễn Thị Phương (nguyên phụ trách nhân sự Công ty TNHH May mặc Makalot) cùng đồng bọn lập khống 36 hồ sơ NLĐ, làm giả 44 hồ sơ thanh toán, quyết toán chế độ thai sản tại BHXH huyện Thanh Hà (Hải Dương) để chiếm đoạt số tiền 867 triệu đồng.
Về trục lợi BHYT, thể hiện trên diễn biến bất thường điển hình như vụ gần 2.800 người có thẻ BHXH nhưng lại có hơn 160.000 lượt khám (bất kể ngày cuối tuần, lễ và Tết). Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc phát hiện gần 200 trường hợp thường xuyên đến khám tại 4 cơ sở khám chữa bệnh trở lên với số tiền lên tới hơn 7,7 tỉ đồng…
Những hành vi trên là sai trái hoặc tiếp tay cho đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho quỹ BHXH, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội. Thời gian qua, với những nỗ lực vượt bậc, hệ thống BHXH đã đóng góp tích cực vào chính sách nhân văn, tiến bộ của quốc gia. Dư luận xã hội luôn ủng hộ việc bảo toàn, phát triển quỹ BHXH, để ngày càng là trụ đỡ vững vàng trong hệ thống an sinh xã hội. Do đó, tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật về BHXH đều phải được xử lý nghiêm để răn đe.
Bình luận (0)