Lịch sử 70 năm ngành ngân hàng có thể chia ra làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ khi thành lập đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là thời kỳ phụng sự kháng chiến, hình thành nền móng ngân hàng, tiền tệ ban đầu. Giai đoạn 2 từ sau giải phóng miền Nam năm 1975 đến hết năm 2010 là giai đoạn thống nhất, đổi mới và hội nhập. Giai đoạn 3 từ năm 2011 đến nay là giai đoạn khẳng định vai trò huyết mạch của nền kinh tế, lành mạnh hóa và bài bản.
Chặng đường 70 năm với 3 giai đoạn đó đã chứng kiến sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của ngành ngân hàng. Từ chỗ hành lang pháp lý chưa có gì ngoài Sắc lệnh thành lập và các quy định tạm thời, đến nay đã có khuôn khổ thể chế khá hoàn chỉnh với các đạo luật, văn bản dưới luật điều chỉnh đồng bộ hoạt động tiền tệ - ngân hàng. Từ chỗ chỉ có vài trăm con người làm việc tại Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đến nay cả hệ thống đã có đến gần 500.000 người lao động, chưa kể các đơn vị có liên quan, đóng góp 5,4% GDP năm 2020.
Từ chỗ hệ thống chỉ có một cấp (ngân hàng trung ương kiêm nghiệp vụ ngân hàng chuyên doanh) đến nay đã có hai cấp (ngân hàng trung ương và các tổ chức tín dụng) với đầy đủ loại hình tổ chức tín dụng. Từ chỗ một ngân hàng trung ương điều hành, quản lý chủ yếu theo kế hoạch, hành chính đến điều hành, quản lý theo tín hiệu thị trường với khá đầy đủ các công cụ điều hành theo thông lệ.
Từ một hệ thống thanh toán đơn giản, thủ công, khép kín đến một hệ thống thanh toán hiện đại, điện tử, tức thời, kết nối quốc tế, thực hiện hàng chục triệu giao dịch, phục vụ hơn 60 triệu dân và gần 800.000 doanh nghiệp mỗi ngày. Từ chỗ một hệ thống khép kín đến một hệ thống hội nhập sâu rộng với việc ngân hàng trung ương có đại diện tại hầu hết tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế và các tổ chức tín dụng quan hệ đại lý quốc tế với hàng trăm ngàn định chế tài chính nước ngoài...
Hệ thống ngân hàng phát triển nhanh, hội nhập và hướng đến hiện đại, chuẩn mực, bền vững, ngày càng thể hiện vai trò huyết mạch của nền kinh tế. Tuy nhiên, Đảng, nhà nước, người dân, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kỳ vọng hơn thế. Cụ thể là kỳ vọng một ngân hàng trung ương hiện đại hơn, độc lập hơn, thể chế pháp luật hoàn thiện và đồng bộ hơn, phối hợp chính sách nhịp nhàng hơn, với đội ngũ cán bộ tinh nhuệ hơn. Kỳ vọng một hệ thống thanh toán và tiền tệ hiện đại, kết nối, an toàn, chính xác, thuận tiện và hiệu quả hơn nữa trong bối cảnh thanh toán số và tiền kỹ thuật số đang thịnh hành. Kỳ vọng hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển hơn về cả quy mô, chất lượng, an toàn, tính chuyên nghiệp và hiệu quả.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước và cả hệ thống, những kỳ vọng này sẽ trở thành hiện thực trong những chặng đường phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, 2045 và xa hơn nữa, tiến tới kỷ niệm 100 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam!
Bình luận (0)