Đây là ý kiến của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú chia sẻ tại tọa đàm "Nhận diện, đẩy lùi hoạt động tín dụng “đen" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 20-1.
Phó thống đốc Đào Minh Tú đánh giá cao việc Báo Người Lao Động tổ chức buổi tọa đàm chủ đề “Nhận diện, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen”.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng “đen" vi phạm hoạt động kinh tế cho vay, lãi suất "trên trời"; quan hệ vay mượn mang tính chất áp đặt, chụp giật, lừa đảo.. Việc đòi nợ cũng dẫn đến nhiều chuyện đau lòng, gây nhiều hệ luỵ xã hội, nhiều gia đình tan nát…,
Phó thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ tại tọa đàm
"Chính phủ, các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước, truyền thông… cũng đã cùng vào cuộc, với nhiều giải pháp quyết liệt để tín dụng “đen" không còn lộng hành. Điển hình, Bộ Công an rất tích cực trong việc trấn áp tín dụng “đen"; Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn chính thức..." - Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Dù vậy, vì sao tín dụng “đen" vẫn tồn tại?
Thực tế, tín dụng “đen" hiện ngày càng tinh vi, nhiều tổ chức núp bóng, trá hình… Trong khi kênh tín dụng chính thức chưa thể đáp ứng hết mọi nhu cầu của người dân, nhất là các nhu cầu vốn không chính thức.
Để tiếp tục cuộc chiến chống tín dụng “đen", đã có những ý kiến cụ thể của đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, cơ quan công an, luật sư… đưa ra tại tọa đàm hôm nay.
Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm
Về phía ngành ngân hàng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, giải pháp sắp tới sẽ từng bước đẩy lùi, kiên quyết xóa bỏ tín dụng “đen”.
"Khi ngành ngân hàng đáp ứng được các nhu cầu chính đáng, đầy đủ về vốn chính thức của người dân sẽ góp phần đẩy lùi và dẹp bỏ tín dụng “đen". Tuy nhiên, bên cạnh đó rất cần sự vào cuộc của cả người dân. Đặc biệt, trấn áp vi phạm đối với tín dụng “đen" phải được coi trọng trong các giải pháp của lực lượng công an, tòa án, viện kiểm sát (nếu trở thành vụ án) và cả chính quyền địa phương, các cấp, ngành…" - Phó thống đốc Đào Minh Tú nói.
Ngành ngân hàng xem việc tung vốn chính thức đẩy lùi tín dụng “đen” là một nhiệm vụ quan trọng và Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng cơ chế chính sách cho việc mở rộng tín dụng tiêu dùng. Quan điểm gần đây của cơ quan quản lý là cho vay tiêu dùng là một hướng cần được chú trọng nhằm mở rộng vốn chính thức và sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.
"Nếu là những nhu cầu chính đáng, cấp bách của người dân như đi khám chữa bệnh, học hành…, thì sẽ được tạo điều kiện tiếp cận tối đa về tín dụng. Không chỉ các ngân hàng thương mại, cả Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tài chính vi mô… cũng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa với những chương trình cho vay đặc thù. Nhưng vẫn phải bảo đảm nguyên tắc và tuân thủ pháp luật, không để xảy ra rủi ro cho an toàn của chính tổ chức tín dụng" - Phó thống đốc khẳng định.
Bình luận (0)