Sáng 21-11, Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình đã báo cáo trước Quốc hội về công tác của ngành tòa án năm 2023.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo sáng 21-11
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết về các vụ án hình sự, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được các tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, theo tinh thần không có vùng cấm và không có ngoại lệ. Đã tổ chức xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm như. Các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đã tuyên thu hồi tiền và tài sản trong nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng.
Về các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các tòa án đã giải quyết, xét xử được 87,04% số vụ việc thụ lý, vượt 9,04% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao (trên 78%). Tỉ lệ các bản án, quyết định hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra. Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải; hạn chế đến mức thấp nhất việc để án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng công tác tương trợ tư pháp.
Về các vụ án hành chính, các tòa án đã giải quyết, xét xử 75,07% vụ thụ lý, đạt tỉ lệ vượt 15,07% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao (trên 60%). Các tòa án chú trọng tổ chức đối thoại giữa các bên; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết vụ án; tổ chức 1.034 phiên tòa xét xử trực tuyến góp phần hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần, giảm bức xúc cho người khởi kiện.
Bên cạnh đó, TAND tối cao hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) để trình Quốc hội tại kỳ họp 6 theo đúng yêu cầu của pháp luật; đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND; hoàn thiện hồ sơ dự án pháp lệnh chi phí tố tụng tập trung; xây dựng hồ sơ Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên để báo cáo Quốc hội; phối hợp với các bộ, ngành xây dựng 13 dự án luật...
Chánh án TAND tối cao đã công bố 14 án lệ, nâng tổng số án lệ được thông qua lên 70 án lệ. Cho đến nay, đã có 1.617 bản án, quyết định của các tòa án viện dẫn, áp dụng án lệ. Như vậy, kỹ năng áp dụng án lệ trong xét xử đã dần phổ biến và nâng cao.
TAND các cấp đã phối hợp với VKSND tổ chức được 17.093 phiên tòa rút kinh nghiệm (tăng 3.855 phiên tòa so với năm trước), qua đó tập huấn qua thực tiễn xét xử và đề cao tinh thần trách nhiệm của Thẩm phán, nâng cao kinh nghiệm tổ chức phiên tòa. Tổ chức tốt các lớp đào tạo các chức danh tư pháp; tăng cường bồi dưỡng cho các Hội thẩm nhân dân, hòa giải viên. Công tác tuyển sinh và đào tạo đại học được thực hiện đúng quy định.
Ngoài ra, đối với công tác đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tư pháp và chuyển đổi số trong tòa án, TAND tối cao tiếp tục tập trung vào việc thực hiện tốt mô hình "Hành chính tư pháp một cửa", đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý công việc theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân khi có công việc liên quan tới tòa án.
Chánh án TAND tối cao đã ban hành thông tư quy định việc phân công ngẫu nhiên Thẩm phán giải quyết, xét xử các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án để đảm bảo vô tư, khách quan, công bằng. TAND tối cao đang triển khai thí điểm dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia tại 35 TAND quận, huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh.
Bình luận (0)