Theo đó, ông Võ Văn Phước cho biết liên quan vụ việc, trong ngày hôm nay (14-9) ông sẽ tổ chức cuộc họp với các bộ phận liên quan để nắm cụ thể thông tin về vụ việc. Trong đó, làm rõ việc tại sao vụ án kéo dài 20 năm, có đoạn ngắt quãng khoảng 9 năm mới đưa ra xét xử lại vụ án, và việc xét xử bị hoãn nhiều lần.
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Phước, để có thông tin cụ thể vu việc này, thì ông sẽ phải nắm lại toàn bộ hồ sơ, các bộ phận nhân sự từ nhiều nhiệm kỳ trước. Theo đó, tòa sẽ phải họp, sau đó ra văn bản chỉ đạo cụ thể để làm rõ, chỉ đạo các bộ phận tập hợp hồ sơ và báo cáo chính thức.
Riêng việc hoãn tòa nhiều lần gần đây, Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai cho biết bước đầu cũng xác định những lý do cụ thể, trong đó có lý do khi thì bên bị hại có đơn, khi do chính bên nguyên đơn có đơn, và việc hoãn là theo quy định của pháp luật
"Bản thân tôi đã trực tiếp giải quyết khiếu nại của ông Sỹ tại tòa, tuy nhiên, ông ấy bức xúc và làm đơn tại chỗ và tôi cũng đã xuống tiếp nhận đơn của ông ấy. Tuy tôi có thẩm quyền riêng nhưng không có thẩm quyền can thiệp vào phiên tòa cụ thể mà các thẩm phán đang làm việc. Việc ông Sỹ đội đơn cũng là khi HĐXX chưa chính thức làm việc, chứ không thể nào xảy ra việc đội đơn giữa phiên tòa đang diễn ra…" - ông ông Võ Văn Phước khẳng định.
Ông Sỹ trao đổi về vụ việc tại vùng hồ nuôi thủy sản
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, gần đây, dư luận xôn xao với vụ việc một người đàn ông lớn tuổi bên nguyên đơn của vụ án dân sự quỳ giữa tòa để xin thực hiện việc xét xử vì vụ án đã kéo dài đến…hơn 20 năm.
Hồ sơ vụ án cho thấy, năm 1992, ông Trần Hữu Sỹ (79 tuổi, ngụ xã Mã Đà, Huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), ký hợp đồng thuê diện tích hồ rộng 27 ha của Trung tâm du lịch để thả cá với thời hạn 20 năm (5 triệu đồng/năm). Đến tháng 5-1995, trung tâm giải thể, diện tích hồ chuyển cho Lâm trường Mã Đà thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai quản lý, giữa lâm trường và ông Sỹ tiếp tục ký hợp đồng, với nội dung như cũ, bổ sung thêm nội dung định kỳ 5 năm 2 bên phải ngồi lại để xem xét, điều chỉnh thay đổi vì lợi ích chung.
Năm 1998, lâm trường yêu cầu ông Sỹ thu hoạch thủy sản để thanh lý hợp đồng nhưng ông không chấp nhận. Giữa năm 2000, lâm trường tự ý đơn phương thanh lý hợp đồng, cho một đơn vị khác thuê lại hồ với giá 75 triệu đồng/năm. Ông Sỹ đã làm đơn khởi kiện, yêu cầu bồi thường 1,273 tỉ đồng chưa tính lãi suất.
Vụ án được xét xử sơ thẩm lần 1 từ tháng 8-2003, lúc đó TAND huyện Vĩnh Cửu – Đồng Nai tuyên buộc lâm trường phải bồi thường cho ông Sỹ 906 triệu đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm giữa năm 2004, TAND tỉnh Đồng Nai hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại vì tư cách tham gia tố tụng của bị đơn đã thay đổi, khi Lâm trường Mã Đà được chuyển thành Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu.
Đến năm 2006, TAND huyện Vĩnh Cửu xét xử lại (sơ thẩm lần 2), buộc bị đơn bồi thường cho ông Sỹ 630 triệu đồng, trong khi nguyên đơn vẫn yêu cầu bồi thường 1,373 tỉ đồng chưa tính lãi suất. Tuy nhiên, một năm sau tại phiên phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai, HĐXX bác đơn kháng cáo của nguyên đơn và tuyên y án sơ thẩm.
Giữa năm 2010, TAND tối cao có quyết định hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao TAND huyện Vĩnh Cửu xét xử lại. Bởi theo nhận định giám đốc thẩm của TAND tối cao, để đầu tư nuôi trồng thủy sản rộng 27 ha với thời hạn 20 năm thì ông Sỹ phải bỏ tiền bạc, công sức đầu tư lớn là có cơ sở.
Tuy nhiên… 9 năm sau, vụ việc mới được đưa ra xét xử lại. Ngày 3-10- 2019 TAND huyện Vĩnh Cửu mới đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm (lần 3). Tại phiên xét xử này, tòa tuyên buộc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (trước đó là Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu) phải bồi thường cho ông Sỹ 1,231 tỉ đồng. Ông Sỹ tiếp tục kháng cáo và đến nay vụ án vẫn chưa có ngày kết.
Bình luận (0)