Đến nay, chủ cơ sở ở Đắk Nông chưa thừa nhận bán tạp chất này cho ai và nó có dùng để pha chế thành cà phê hay không. Thế nhưng, vụ việc đã cho thấy những lỗ hổng rất lớn trong công tác kiểm tra, ngăn chặn những chất độc hại có thể đến bàn ăn của người dân.
Cà phê bẩn không phải đến bây giờ mới được nhắc tới. Nó hoành hành bao năm qua, từ một hỗn hợp đậu nành, bắp và một ít cà phê rồi rang lên thêm hương liệu là thành cà phê bán nhan nhản ở quán xá. Cả một quá trình quy mô, hoạt động rầm rộ bao năm qua và vẫn đang tồn tại trước sự bất lực của các cơ quan chức năng. Dân nghiện cà phê phải bảo nhau mua cà phê rang xay tại chỗ hoặc từ mua những người quen để tự bảo vệ mình.
Cà phê chỉ là một phần nhỏ của thực trạng đáng ngại về an toàn thực phẩm hiện nay. Các loại rau trái được nuôi từ chất tăng trưởng, phun thấm đẫm thuốc trừ sâu vẫn hằng ngày bày bán ở chợ. Thậm chí, nó có thể len lỏi vào các trung tâm thực phẩm với mác rau sạch, trái sạch mà không người tiêu dùng nào có thể kiểm chứng được. Thịt heo được nuôi từ chất tạo nạc, bơm thuốc mê, cho ăn chất tăng trọng... được phát hiện và cảnh báo thường xuyên. Với một thị trường khổng lồ đến hàng chục triệu dân ở các thành phố lớn đang tiêu thụ những loại thực phẩm bẩn hằng ngày thì hậu quả thật khó thể hình dung.
Rồi chuyện bánh phở, bún được trộn hàn the cho dai; cá biển được ủ u rê giữ tươi; trái cây ngâm thuốc cho mau chín, phun hóa chất để bảo quản được lâu... cứ diễn ra nhan nhản hằng ngày. Tác hại của hóa chất độc hại có thể còn kéo dài cho đến thế hệ kế tiếp mà biện pháp ngăn chặn bao năm qua hầu như chẳng hiệu quả.
Ngay cả thực phẩm chức năng chữa ung thư làm bằng than tre cũng được tung ra thị trường ở hàng loạt tỉnh, thành qua nhiều năm nhưng các cơ quan chức năng vẫn không biết thì người dân biết dựa vào đâu để bảo vệ sức khỏe của mình! Quy trình sản xuất và cho lưu hành các loại thực phẩm chức năng vô cùng nghiêm ngặt. Thế nhưng, doanh nghiệp sản xuất trên vẫn thoải mái vượt qua tất cả các chốt chặn tưởng chừng vững chắc lắm của cơ quan chức năng.
Ngoài cấp bộ, địa phương nào cũng có cơ quan chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm. Dù biện hộ cách nào đi chăng nữa thì cũng không thể chối bỏ sự tắc trách và kém cỏi của những cơ quan này trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay. Người dân không có khả năng và không có điều kiện để có thể đề phòng những chất độc nguy hại trong thực phẩm sử dụng hằng ngày. Họ chỉ biết đắn đo và đành bất lực trước nguy cơ sức khỏe của bản thân và gia đình bị xâm hại.
Chất độc có thể len lỏi vào từng nhà, từng bàn ăn của gia đình, kể cả những người có trách nhiệm không ngăn chặn được nó hoặc vì nhiều lý do tăm tối đã để nó tung hoành.
Bình luận (0)