Ngày 13-12, ngày thứ 3 kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVII (nhiệm kỳ 2016-2021) tiếp tục diễn ra. Sáng cùng ngày đã diễn ra phiên chất vất giám đốc Sở Xây dựng tiến độ giải ngân và thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ và giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa về hoạt động tín dụng đen.
Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa - trả lời chất vất tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII
Phần chất vất về tín dụng đen được dư luận địa phương rất quan tâm, bởi thời gian qua hoạt động này đang nở rộ tại Thanh Hóa với nhiều hành vi và thủ đoạn tinh vi khiến người dân rất lo lắng.
Báo cáo về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết hoạt động tín dụng đen là hành vi huy động vốn và cung cấp tín dụng không tuân theo quy định của pháp luật về vay và cho vay. Hoạt động này tồn tại dưới dạng dịch vụ công ty tài chính và hình thức cho vay dưới dạng cầm đồ. Những hoạt động này biến tướng rất cao.
"Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 786 cơ sở kinh doanh cầm đồ, 132 công ty tài chính. Hoạt động tín dụng đen có diễn biến phức tạp, thủ đoạn của nhóm cho vay tín dụng đen là áp dụng lãi suất rất cao. Khi người vay không trả được nợ, những kẻ cầm đầu đường dây tín dụng đen sử dụng các đối tượng có tiền án, tiền sự, thanh thiếu niên hư hỏng để đòi nợ như đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, ném chất bẩn... Việc này cũng nảy sinh các loại tội phạm khác như: cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật"- Thiếu tướng Trung cho hay.
Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết công an đã điều tra, khởi tố 31 vụ án, khởi tố 88 bị can liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Tuy nhiên, tín dụng đen vẫn có diễn biến phức tạp do hình thức hoạt động phạm tội của bọn chúng rất tinh vi như viết giấy vay thế chấp tài sản để chuyển thành giao dịch dân sự. Hơn nữa, việc đòi nợ trái pháp luật chỉ bị khởi tố khi cấu thành tội phạm.
Trước thực trạng này, nhiều đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa đã đặt câu hỏi về hoạt động tín dụng đen đã nở rộ từ lâu, nhưng có nhiều vụ việc khi xảy ra công an mới vào cuộc, trong khi công an huyện có từ cơ sở? Các vùng miền núi của Thanh Hóa có dán tờ rơi với nội dung cho vay tiền, người cho vay tiền ghi rõ ràng địa chỉ. Tuy nhiên, khi cơ quan liên quan truy địa chỉ của tín dụng đen thì không tìm ra? Có đại biểu còn thẳng thắn nêu câu hỏi: "Có hay không việc công an bảo kê tín dụng đen"…
Băng nhóm tín dụng đen lớn nhất nước do Nguyễn Đức Thành, giám đốc Công ty Tài chính Nam Long, cầm đầu, vừa được Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Công an triệt phá thành công
Thiếu tướng Trung khẳng định: "Về dư luận (công an bảo kê tín dụng đen) là có nhưng để chứng minh việc này là khó khăn. Nhưng tôi hứa sẽ siết chặt kỷ cương khi phát hiện các cán bộ, chiến sĩ bảo kê". "Việc tờ rơi ở đâu cũng có, các thông tin chỉ khi nào phát sinh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công an mới vào cuộc. Làm gì thì làm nhưng phải theo chức trách nhiệm vụ của ngành công an" - ông Trung nói.
Buổi chất vấn này chỉ diễn ra khoảng 50 phút, do phần đầu buổi chất vấn, Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung cho biết ông mới về nhận nhiệm vụ Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa khoảng hơn 3 tháng, vì vậy nội dung nào ông trả lời được tại kỳ họp sẽ trả lời ngay còn lại những nội dung chưa trả lời được thì xin trả lời bằng văn bản.
Chốt lại vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đề nghị các cơ quan đồng cấp tiếp tục điều tra khởi tố các vụ án, xử lý nghiêm trước pháp luật đối với loại tội phạm này, cơ quan công an tỉnh bố trí lực lượng đủ mạnh để ổn định tình hình, từ góc độ tham mưu đến góc độ thực thi. Ông Chiến cũng giao Sở Kế hoạc và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa rà lại toàn bộ giấy phép cấp cho công ty tài chính, trong trường hợp có vấn đề pháp lý thì phải xử lý ngay, đồng thời cân nhắc cấp phép mới các công ty này.
Bình luận (0)