Theo hồ sơ của cơ quan công an, những kẻ cầm đầu của công ty này được đào tạo bài bản, am hiểu sâu về tín dụng. Quy mô công ty được thiết lập từ giám đốc đến hệ thống quản trị. Tổ chức này còn có giáo trình, giáo án đòi nợ vừa mềm dẻo vừa chặt chẽ với đầy đủ kế toán, nhóm quản lý nhân sự, tư vấn chăm sóc khách hàng…
Nguyễn Đức Thành - kẻ cầm đầu băng nhóm tín dụng đen Ảnh: THÁI THANH
Đến thời điểm bị triệt xóa, tổ chức tín dụng đen này đã có 26 chi nhánh và quản lý hoạt động ở tất cả 63 tỉnh, thành. Theo tổ chức bộ máy, Nguyễn Cao Thắng (SN 1984, quê Hải Phòng; đang trốn truy nã) là chủ tịch HĐQT, chịu trách nhiệm huy động vốn cho tổ chức tín dụng này vay. Nguyễn Đức Thành làm giám đốc chỉ đạo toàn bộ hoạt động của bộ máy. Lợi nhuận thu được chia 2 phần: 50% tái đầu tư, 50% Thành và Thắng chia nhau. Ngoài ra, mỗi chi nhánh của công ty sẽ phụ trách từ 2-5 tỉnh, do 1 người làm quản lý.
Để bành trướng thế lực, tổ chức này đã xây dựng, ban hành các quy định rất hà khắc, thâm độc. Chúng khống chế nhân viên, khách hàng của mình bằng các hình phạt như: nếu phá vỡ hợp đồng sẽ phải bồi thường 100 triệu đồng; tự chặt ngón tay, ngón chân; hủy hoại bản thân và gia đình, đánh đòn, cho đi tù "quốc pháp"…
Dã man hơn, tổ chức này còn đưa ra hình phạt tra tấn người như thời trung cổ, xử lý nhân viên vi phạm bằng cách bắt chọn cơm hay chọn phân. Tháng 7-2018, do làm trái quy định của công ty, anh Nguyễn Văn Minh (SN 1999, ngụ huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) bị buộc phải chọn giữa cơm hoặc phân để ăn. Vì chọn cơm, anh Minh đã bị đánh đa chấn thương dẫn tới tử vong.
Đại tá Khương Duy Oanh - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa - cho biết dưới danh nghĩa Công ty Tài chính Nam Long hay Tập đoàn Nam Long có liên kết với ngân hàng để cho vay, tổ chức tội phạm này đã lừa hàng trăm người dân ký vào những bản hợp đồng vay tiền với lãi suất cắt cổ. Với hình thức vay trả góp kỳ hạn 41 ngày hoặc 51 ngày, mức lãi suất có thể lên đến từ 172%-205%/năm. Trường hợp nạn nhân vay nóng ngắn ngày phải chịu mức lãi đứng từ 15%-30%/ngày, tương đương với 1.043%/năm.
Đến thời điểm bị phát hiện, có 200 khách hàng dính bẫy với tổng số tiền giao dịch hơn 510 tỉ đồng. Nếu chậm trả nợ, người vay bị đe dọa, hành hung và bị cưỡng chế thu hồi nợ bằng tài sản, vật nuôi có giá trị gấp nhiều lần.
Đơn cử, bà Triệu Thị D. (ngụ huyện Can Lộc, tỉnh Lạng Sơn) vay 100 triệu đồng của Công ty Tài chính Nam Long trong vòng 50 ngày, thỏa thuận 10 ngày sẽ trả 25 triệu đồng, phí ngoài hợp đồng phải trả 7 triệu đồng. Tuy nhiên, khi giải ngân, bà D. chỉ được nhận 68 triệu đồng, 32 triệu đồng công ty đã lấy luôn gốc lãi 10 ngày đầu và phí. "Đến lần thứ 3 trả lãi và gốc, gia đình còn thiếu 10 triệu đồng chưa kịp xoay xở, Công ty Nam Long đã cử 11 người đi 2 ôtô tới trang trại của nhà tôi bắt đi 27 con heo và 21 con dê mà không cân đo gì cả" - bà D. trình báo tại cơ quan công an.
Tội phạm có tổ chức núp bóng
Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cho biết đối với hoạt động tín dụng đen có hành vi cho vay lãi nặng mà chuyên nghiệp như vụ án này chắc chắn gắn liền với tội phạm có tổ chức. Hiện công an 63 tỉnh, thành đã ra quân đấu tranh, bước đầu đã triệt phá và bắt được một số ổ nhóm.
Bình luận (0)