Ngày 22-9, Ban Đô thị HĐND TP HCM có buổi giám sát về việc thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có Nghị quyết của HĐND TP HCM trên địa bàn TP Thủ Đức.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết có nhiều dự án cùng nằm trên địa bàn TP HCM và tỉnh Bình Dương như Đại học Quốc gia TP HCM, Vành Đai 3, metro Bến Thành - Suối Tiên…
Ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức
Theo ông Tứ, hầu như dự án nằm trên địa bàn 2 tỉnh thì chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt là về giá bồi thường có sự chênh lệch, thậm chí là chênh lệch khá lớn. Ông dẫn chứng dự án metro Bến Thành - Suối Tiên và cho biết thành phố thu hồi đất xong nhưng tỉnh Bình Dương đến nay vẫn chưa thu hồi đất xong.
Lãnh đạo TP Thủ Đức cho rằng vấn đề mấu chốt là đơn giá bồi thường. TP HCM thực hiện thẩm định giá theo cơ chế giá thị trường. Trong khi đó, đối với đất nông nghiệp, tỉnh Bình Dương lấy đơn giá đất ở trừ tiền sử dụng đất thì ra số tiền bồi thường rất cao. "Lẽ ra đơn giá ở TP HCM phải cao hơn Bình Dương nhưng tại dự án này thì giá bồi thường ở Bình Dương cao hơn thành phố" – ông Tứ nói.
Tương tự, đối với dự án Đại học Quốc gia TP HCM rộng khoảng 600 ha, trong đó phần đất ở TP HCM chỉ 119 ha. Tuy vậy, đơn giá bồi thường đất và chính sách tái định cư của 2 địa phương cũng rất khác nhau.
"Sắp tới, dự án Vành đai 3 đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành. Khi đó, chính sách giá bồi thường chắc chắn chênh lệch và có sự so bì của người dân giữa các địa phương" – ông Nguyễn Hữu Anh Tứ nhận định và đề nghị cơ quan chức năng thành phố nghiên cứu sâu để tháo gỡ bởi sau này những dự án giao thông, dự án lớn liên vùng sẽ rất nhiều.
Để tạo sự đồng thuận từ phía người dân, giảm bớt việc khiếu nại, khiếu kiện, so bì giữa các dự án, UBND TP Thủ Đức kiến nghị đối với các tỉnh, thành phố lớn như TP HCM cần có cơ chế đặc thù, quy định bổ sung về loại đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, đất vườn ao liền kề với đất ở trong khu dân cư. Hoặc áp dụng đơn giá bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp được tính theo tỉ lệ phần trăm đơn giá đất ở cùng vị trí (đề xuất mức 30% đơn giá đất ở), không phân biệt đất nông nghiệp thuần hay đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho rằng giá bồi thường đất nông nghiệp tại TP HCM là vấn đề "nóng bỏng" và ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, dẫn chứng chuyện hai người ở gần nhau nhưng người có đất ở thì được bồi thường giá cao, thậm chí là được tái định cư, người có đất nông nghiệp thì không.
"Chẳng hạn người dân có 500m2 đất, trong đó 300m2 đất ở, còn 200m2 đất nông nghiệp. Chúng ta bồi thường như thế nào? Trong khi thực tế giao dịch giá không như giá nông nghiệp mà Nhà nước tính bồi thường được" – ông Hoàng Tùng nói và cho rằng có lẽ TP HCM cần có kiến nghị mạnh mẽ về việc này vì hiện nay giá bồi thường chưa thoả mãn người dân nên phản ứng quyết liệt.
Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM, cho rằng đất của người dân ở Bình Dương bị ảnh hưởng bởi dự án metro được quy hoạch là đất ở nên khi bồi thường thì trừ tiền chuyển mục đích sử dụng đất nên lần đầu tiên đất ở TP HCM rẻ hơn đất Bình Dương. "Đây là vấn đề đặc thù, TP Thủ Đức đã nhìn ra và kiến nghị là hợp lý. Vấn đề ở đây là người dân chưa chuyển mục đích sử dụng đất trước khi bồi thường" – ông Thanh nói.
Dự án Vành đai 3 qua TP Thủ Đức dài gần 15 km với khoảng hơn 600 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong ảnh: Đường Vành đai 3 qua địa bàn Bình Dương, đoạn trùng với cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn.
Trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM Nguyễn Thị Thanh Vân ghi nhận ý kiến của TP Thủ Đức về vấn đề giá bồi thường nêu trên và sẽ đặt vấn đề với Sở Tài nguyên và Môi trường. Giá bồi thường đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư sẽ là nội dung chất vấn liên quan đến tiến độ các dự án đầu tư công.
"Đất nông nghiệp ở TP HCM khác với các tỉnh. Trong khi đó, Bình Dương đã mạnh dạn làm như thế nên chúng tôi sẽ có kiến nghị cụ thể với UBND TP quan tâm hơn về đền bù đất nông nghiệp phù hợp với thành phố" – bà Vân nhấn mạnh.
Bình luận (0)