Những tít nhan nhản trên các phương tiện truyền thông đã cho thấy thực trạng tiếng ồn trong khu dân cư đã dần mất kiểm soát.
Karaoke ngay khi được một kỹ sư người Nhật phát minh từ năm 1971, tung ra thị trường đã được hàng triệu người thích thú. Nó giải quyết vấn đề "ấm ức" lâu nay của những người nghiện làm ca sĩ nhưng mù nhạc và không thuộc lời. Khác với những nước Á Đông luôn có nhiều người hâm mộ, các nước phương Tây sớm nghi ngại và ít mặn mòi với thiết bị giải trí này. Đơn giản vì nó quá ồn ào và pháp luật rất nghiêm ngặt khi xử lý hành vi gây tiếng ồn làm phiền người khác.
Tại Việt Nam, khốn khổ vì karaoke là vậy nhưng nó đã được trang bị khắp các hang cùng ngõ hẻm, từ thành thị đến thôn quê. "Giọng ca vàng" từ "U vừa biết đọc" cho đến "U dưới 100" mặc sức vút lên từ đám cưới đến đám ma, từ sáng sớm đến đêm khuya bất kể hàng xóm láng giềng mất ăn, mất ngủ thế nào. Một thứ trình diễn cưỡng bức và kém văn hóa cứ ông ổng chui vào tận giường ngủ của mọi nhà thì hỏi làm sao chịu nổi. Đánh nhau, thậm chí là giết nhau vì karaoke quá ồn ào là hệ quả chẳng mong muốn nhưng tất yếu phải xảy ra khi sự chịu đựng của người khác không còn ranh giới. Bất cứ ai cũng sẽ mất kiềm chế khi con cái không học hành, ngủ nghê gì được vì hàng xóm cứ rên rỉ, kêu gào ầm ĩ từ sáng đến tối. Ngày nghỉ cả nhà quây tụ thì ầm ầm tiếng loa vọng vào điếc tai. Thêm vào vài chai bia thế là cả xóm phải di tản.
Karaoke chỉ là phần nhỏ của thực trạng đời sống người dân ngày ngày bị tấn công vì tiếng ồn. Đám ma thì dàn nhạc sống chơi đến 3 đêm, giỗ chạp thì hát cả ngày với loa công suất cao. Cửa hàng mở nhạc xập xình suốt ngày, trong khi chủ lại đi chơi nơi khác. Ra đường thì còi xe inh ỏi, nẹt ga ầm ào. Ai ở gần những tiệm sửa xe máy còn khốn khổ hơn…
Không thể đổ thừa cho hoàn cảnh "đặc thù". Đây là hậu quả của ý thức cộng đồng kém, văn hóa ứng xử thấp. Nhiều người chỉ thỏa mãn sở thích dị hợm của cá nhân mà sẵn sàng gây ảnh hưởng thô bạo đến đời sống của người khác. Một người bạn ở Mỹ cho biết chỉ cần con chó anh ta nuôi sủa lớn tiếng ảnh hưởng đến hàng xóm thì lập tức cảnh sát sẽ đến cảnh cáo, phải nhốt chó ra sau nhà. Nếu tái diễn sẽ bị phạt tiền và còn ngoan cố thì chắc chắn sẽ giáp mặt với tòa án. Còn hát karaoke ông ổng như ở Việt Nam thì bên đó bị còng là cái chắc.
Việt Nam đã có quy định xử lý cụ thể về hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, thậm chí mức phạt có thể lên đến 160 triệu đồng (Nghị định 155/2016). Chuyện cần nói chính là thái độ của chính quyền địa phương. Hầu như những việc như trên ai cũng biết, được phản ánh đến cơ quan chức năng nhưng không xử lý kiên quyết. Sự thờ ơ của cơ quan công quyền sẽ dẫn đến tình trạng người dân bị dồn nén và tìm cách xử lý tiêu cực, vi phạm pháp luật.
Chết chỉ vì "giấc mộng ca sĩ karaoke" quả là oan mạng.
Bình luận (0)