Liên quan việc người dân xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành bức xúc với cách tính giá nước của Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam mà Báo Người Lao Động đã phản ánh, tại buổi họp báo chiều 17-7, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã có những trao đổi về vấn đề này.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chủ trì họp báo chiều 17-7
Theo ông Quang, các doanh nghiệp thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Những nơi thường gọi là "vùng lõm" về điện, nước thì doanh nghiệp không chịu đầu tư do chi phí bình quân cao, doanh thu thấp, kinh doanh không hiệu quả.
Chính vì vậy, một số địa phương đã phải chi ngân sách đầu tư để phục vụ người dân. Tuy nhiên, nếu các địa phương không có hợp tác xã để quản lý thì dẫn đến việc giá sẽ cao hơn do cách tính về bậc thang giá, chi phí quản lý, vận hành, hao hụt… "Chính quyền vì dân, chấp nhận việc này nhưng dẫn đến việc giá cao hơn, việc này UBND tỉnh đã thấy và sẽ có chỉ đạo" – ông Quang nói về trường hợp người dân xã đảo Tam Hải bị áp giá mua nước cao.
Ông Quang cho biết tại Quảng Nam, lâu nay TP Tam Kỳ đã có cách làm hay khi hỗ trợ chi phí lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư các công trình đối với vùng lõm điện, lõm nước. "Ngân sách TP hỗ trợ lãi vay, do đó doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, giá nước bình quân cũng được kéo xuống vì chi phí lãi vay đã được hỗ trợ. Vừa qua, chúng tôi đề nghị ngoài việc phân vùng cấp nước thì các địa phương có cơ chế để kéo giá nước xuống, du di bù qua bù lại thì sẽ thuần hơn" - ông nói.
Theo tìm hiểu, năm 2022, UBND huyện Núi Thành chi 11 tỉ đồng đầu tư hệ thống đường ống nước sạch kéo từ xã Tam Hiệp đến xã đảo Tam Hải để phục vụ người dân. Đầu năm 2023, dự án hoàn thành, đường ống nước được đưa đến từng nhà dân nhưng nhiều tháng nay bỏ không vì địa phương cho rằng Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam áp giá không hợp lý.
Đường ống nước đã đầu tư nhưng nhiều tháng qua phải "đắp chiếu", người dân lại không được dùng nước sạch
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tam Hải, cho biết Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam không chấp nhận cung cấp nước cho từng hộ dân mà yêu cầu UBND xã đứng ra hợp đồng mua nước rồi phân phối về cho người dân. Điều này khiến mức giá người dân phải trả cao hơn nhiều.
"Nếu như công ty cấp nước theo đồng hồ cho từng hộ dân thì người dân chỉ trả mức giá bậc 1 là gần 8.000 đồng/khối. Bây giờ công ty yêu cầu xã đứng ra mua, lắp đồng hồ tổng rồi phân phối cho người dân. Theo cách tính này thì phải áp vào bậc 4 với mức giá 12.000 đồng/khối. Đó là chưa kể xã phải tính chi phí vận hành, hao hụt thì người dân có thể phải trả với mức giá cao hơn con số đó" – ông Hùng cho biết.
Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, tỏ ra bức xúc về cách tính giá nước của Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam. "Công ty này kinh doanh rất thiếu tình người. Dân ở xã đảo đã nghèo khó rồi mà phải chịu mua nước với giá quá cao, trong khi hạ tầng đường ống nước huyện đã bỏ tiền ra đầu tư 100%, doanh nghiệp không phải tốn tiền" – ông Sinh nói và cho biết sẽ kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp can thiệp.
Phải hài hòa lợi ích!
Trả lời về việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo khôi phục phần vốn nhà nước đã thoái tại Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam, ông Nguyễn Hồng Quang cho biết tỉnh đang quyết liệt triển khai. "Quan điểm là nguồn nước sạch phục vụ nhân dân, đô thị và nông thôn phải được quản lý chặt chẽ. Dù nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân quản lý thì đều hoạt động trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích, người dân phải được quan tâm, hài hòa lợi ích giữa hai bên cấp nước và sử dụng nước" – ông Quang nhấn mạnh.
Bình luận (0)