Một số lĩnh vực liên tục có sự chuyển biến tích cực cả về xây dựng chính sách lẫn thực thi nhưng một số khác chưa có những cải thiện đáng kể trong nhiều năm qua.
Đây là đánh giá được đưa ra tại buổi công bố báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết 02 - Từ góc nhìn doanh nghiệp (DN), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 17-12. Mỗi năm có hơn 10.000 DN tham gia trả lời phiếu khảo sát để VCCI tổng hợp báo cáo.
Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ năm 2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 đã đưa ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, có cơ quan rất nỗ lực cải cách thực chất nhưng cũng có những cơ quan thực hiện một cách đối phó, hình thức.
Nhấn mạnh hơn về lĩnh vực thuế, ông Tuấn cho rằng thủ tục hành chính thuế có cải thiện rõ rệt khi tỉ lệ DN khai thuế điện tử lên đến 98,4%. Tuy nhiên, hoạt động thanh kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn có 30% DN được khảo sát cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh kiểm tra thuế. Bên cạnh đó, với giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan thì các DN phải đi lại để nộp hồ sơ rất nhiều lần, trung bình 3 lần cho mỗi thủ tục.
Một vấn đề tồn tại từ lâu được ông Tuấn nhìn nhận gây khó khăn cho DN là việc tiếp cận vốn. "Tiếp cận vốn vẫn là khó khăn lớn thứ hai đối với các DN, cản trở lớn nhất là điều kiện vay vốn phải có tài sản thế chấp, trong khi đó có tới 39% DN được khảo sát cho biết tình trạng bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn là phổ biến" - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho hay. Báo cáo của VCCI cũng chỉ ra hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính không có nhiều chuyển biến, hầu hết DN cho biết họ gặp nhũng nhiễu khi làm thủ tục hành chính.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng những lĩnh vực đã đạt được điểm đột phá và tiên phong về cải cách thủ tục hành chính như thuế, hải quan nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với thế giới. Sự chậm trễ của cải cách thủ tục hành chính vẫn đang là điểm nghẽn của nền kinh tế.
"DN sốt ruột nhưng thể chế còn đủng đỉnh" - ông Lộc đánh giá và kiến nghị đặt hành trình cải cách của Việt Nam vào cuộc đua toàn cầu về năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh, cần có "thể chế kim cương" để phát triển ổn định, tạo môi trường thông thoáng cho cộng đồng DN.
Bình luận (0)