Tôn trọng phát ngôn của ông Nguyễn Văn Hiếu, nhất là khi chưa có bằng chứng gì khác hơn thì chưa thể suy diễn về khả năng vì chuyện thù lao này mà bộ SGK nói trên đã được ngành GD-ĐT TP HCM "ưu ái" bằng một đặc ân để loại các đối thủ ngay trên địa bàn có sản lượng tiêu thụ lớn nhất nước.
Trong kinh doanh, việc chi trả thù lao cho ai trong các thương vụ làm ăn là quyền của doanh nghiệp. Nhưng với chuyện SGK thì khác. Bởi chuyện SGK ở nước ta lâu nay, xin được nói thẳng là như mớ bùng nhùng, một sự bất lực của ngành giáo dục, vì cải cách rồi cải cách lại, một bộ dùng chung rồi nhiều bộ để chọn, tiền bạc chi phí tốn kém nhưng rốt cuộc vẫn không thoát được sự bế tắc.
Thậm chí, Thủ tướng phải có ý kiến vì tác giả SGK là ông Hồ Ngọc Đại đã phản ứng quyết liệt vì sách của ông không được chọn để đưa vào thẩm định trong khi đã được dùng thí điểm cho hàng triệu học sinh trên toàn quốc học trong nhiều năm qua.
Ở chuyện NXB Giáo dục Việt Nam chi thù lao này, nó khiến nhiều người phải nghĩ ngay đến việc chi tiền để mua sự thiên vị cho sản phẩm của mình. Nhưng dù không có chuyện thiên vị như dư luận nghĩ, hay không có ăn chia lợi nhuận như vị lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM khẳng định thì rõ ràng cái chuyện thù lao này là rất nhạy cảm, cho phép dư luận phải đặt ra nhiều câu hỏi.
Nhạy cảm bởi về nguyên tắc, theo dự thảo thông tư hướng dẫn chọn SGK (thực hiện tạm thời theo Nghị quyết 88 trong khi chờ Luật Giáo dục có hiệu lực thi hành vào tháng 7-2020) mà Bộ GD-ĐT công bố thì các địa phương sẽ lựa chọn SGK trên cơ sở chất lượng của các bộ sách, mức độ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cũng như khả năng của các NXB trong việc đồng hành, hỗ trợ giáo viên suốt quá trình tổ chức dạy - học.
Nhưng Bộ GD-ĐT có dám đoan chắc với phụ huynh học sinh rằng việc các địa phương lựa chọn sẽ là khách quan, kể cả khi có việc chính chủ nhân của các bộ sách bằng cách này hay cách khác tiếp cận khách hàng, mà cụ thể ở đây là việc chi thù lao?
Chi thù lao cho những người có đóng góp cụ thể vào việc biên soạn, phát hành... thì không có gì lạ nhưng chi cho những người đang trong bộ máy quản lý giáo dục của các địa phương thì vấn đề lại khác. Bởi công chúng có quyền nghi ngờ khoản thù lao này không khác gì một hình thức lại quả, vốn rất phổ biến trong các thương vụ hay thực hiện dự án ở nước ta.
Rồi dư luận cũng có quyền đặt câu hỏi về lợi nhuận từ SGK. Nhiều người dự đoán là nó siêu lời, vì chỉ cần một địa phương "gật đầu" thì một số lượng SGK khổng lồ đương nhiên sẽ được địa phương ấy đưa vào sử dụng. Mà như ở TP HCM thì con số ấy phải tính đến hàng triệu. Lợi nhuận ấy ai trả? Phụ huynh trả chứ ai!
Bình luận (0)