Với vai trò cầu nối, trong năm 2021 vừa qua, Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện hiệu quả công tác vận động, tập hợp nhân dân, tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (DCƠCS).
Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý
Phương châm "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" được thể chế hóa trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội ở Lâm Đồng, qua đó góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp trong nhân dân.
Theo bà Phạm Thị Phúc, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng, trong 5 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập 2 đoàn kiểm tra tại 3 huyện. Các tổ công tác của Ban Chỉ đạo Quy chế DCƠCS đã thành lập 16 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra tại 131 địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. LĐLĐ tỉnh lồng ghép kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế DCƠCS tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp ở 328 lượt doanh nghiệp.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và kiến nghị khắc phục nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực.
"100% cấp ủy địa phương phân công phó bí thư, chủ tịch UBND làm trưởng ban chỉ đạo Quy chế DCƠCS. Vì thế, công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện Quy chế DCƠCS được chú trọng và phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm, giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp cận nhanh, nắm vững các nội dung cũng như văn bản liên quan về xây dựng quy chế này" - bà Phúc thông tin.
Với vai trò nòng cốt và lấy dân làm gốc, Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng phát động xây dựng Quy chế DCƠCS từ cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" được triển khai rộng khắp, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo người dân. Công tác phòng chống dịch Covid-19 được các ngành, các cấp triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức cụ thể, hiệu quả, tạo niềm tin trong nhân dân.
Trong năm 2021, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đầu người của tỉnh Lâm Đồng đạt 66 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 11.010 tỉ đồng - tăng 17% so với năm 2020, bằng 118% dự toán địa phương; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 32% GRDP; thu nhập trên đơn vị diện tích đạt 192 triệu đồng/ha; tỉ lệ hộ nghèo giảm 0,33%. Đến nay, Lâm Đồng có 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thành phố hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 104/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Các lực lượng được Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng phát động đã tích cực tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch Covid-19
Vai trò nổi bật của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc thực hiện Quy chế DCƠCS thời gian qua là đã tăng cường thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn. MTTQ các cấp cũng đã thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, từ đó hạn chế đơn thư khiếu kiện và vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, MTTQ các cấp còn chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng trong việc tham gia góp ý, tuyên truyền, vận động và giám sát thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Định kỳ hằng tháng, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức tiếp dân tại trụ sở Ban Tiếp công dân. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức tiếp công dân, đối thoại với nhân dân trên tinh thần dân chủ, công khai, lắng nghe ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Công tác giảm nghèo ở Lâm Đồng ngày càng bền vững, việc xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả khả quan. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh được giữ vững; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội bảo đảm.
Thường xuyên lấy ý kiến nhân dân
Cát Tiên là huyện nghèo vùng sâu, vùng xa và khó khăn nhất của tỉnh Lâm Đồng nhưng đây là một trong những địa phương phát huy tốt trong việc phối hợp thực hiện Quy chế DCƠCS.
Ông Phan Ngọc Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cát Tiên, cho biết: "Mặc dù đời sống kinh tế của bà con nông dân trong huyện còn khó khăn nhưng việc phát huy vai trò của MTTQ trong thực hiện Quy chế DCƠCS gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính theo cơ chế một cửa để dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát những nội dung, kế hoạch, chương trình đã đạt được hiệu quả tích cực".
Theo ông Quang, Ủy ban MTTQ huyện Cát Tiên thường xuyên tổ chức lấy ý kiến đối với những vấn đề liên quan quyền và lợi ích của người dân; duy trì công tác tiếp nhận giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Việc thực hiện Quy chế DCƠCS đã góp phần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ từ huyện đến cơ sở, đáp ứng nguyện vọng của người dân, góp phần củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tiếp tục vận động người dân tích cực tham gia Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; xây dựng, nhân rộng mô hình "Khu dân cư tiêu biểu", "Khu dân cư kiểu mẫu", năm 2021, có 50 khu dân cư ở Cát Tiên đăng ký. Trong đó, các nơi đăng ký xây dựng 28 "Khu dân cư tiêu biểu", 9 "Khu dân cư kiểu mẫu" và duy trì 10 "Khu dân cư tiêu biểu", 3 "Khu dân cư kiểu mẫu".
Cát Tiên đã phối hợp tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện, cho thấy sự hài lòng đạt trên 99%; phối hợp tổ chức thăm hỏi, tặng quà các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, thanh niên lên đường nhập ngũ… Cát Tiên còn phát thư kêu gọi ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" năm 2021 đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, các chức sắc tôn giáo. Nhiều doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã tham gia ủng hộ xây mới 51 căn nhà cho người nghèo với tổng chi phí gần 1,3 tỉ đồng; sửa chữa 18 căn nhà với tổng chi phí 225 triệu đồng...
Tăng cường khối đại đoàn kết
Theo ông Đường Anh Ngữ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng, những kết quả đạt được vừa qua trong hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh chính là từ sự đoàn kết chặt chẽ và phát huy hiệu quả Quy chế DCƠCS.
"Khi quyền làm chủ của người dân ở cơ sở được chính quyền tôn trọng, họ sẽ cùng bàn bạc, thực hiện các phong trào, các cuộc vận động, nổi bật là trong việc xây dựng nông thôn mới; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Từ đó, góp phần quan trọng tăng cường khối đại đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động nguồn lực và tinh thần tự quản của nhân dân để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí...; nâng cao niềm tin của người dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước" - ông Ngữ nhấn mạnh.
Bình luận (0)