Sáng 21-6, Quốc hội (QH) khóa XIV đã tiến hành bế mạc kỳ họp thứ 3 với sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân.
Làm việc dân chủ, trách nhiệm
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được QH xác định là một nội dung trọng tâm. QH đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thông qua 12 luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu bên lề phiên bế mạc kỳ họp thứ 3 Ảnh: TTXVN
Một trong những nét mới của kỳ họp QH lần này là dành 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều hơn nửa ngày so với các kỳ họp trước đây. Trong 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, 58 lượt đại biểu (ĐB) QH đã tham gia tranh luận. Một điểm nhấn của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là cùng với phần trả lời của các "tư lệnh" ngành, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực đã trực tiếp tham gia giải trình; qua đó giúp cử tri, nhân dân hiểu rõ hơn các quyết sách của Chính phủ, những công việc sẽ triển khai trong thời gian tới...
Chủ tịch QH đánh giá kỳ họp thứ 3 của QH tiếp tục có những đổi mới, cải tiến quan trọng. QH đã bố trí chương trình làm việc hợp lý hơn, dành thời gian thỏa đáng cho nội dung thảo luận tại hội trường về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn. Các bộ trưởng đã trực tiếp giải trình, nghiêm túc tiếp thu ý kiến trong quá trình thảo luận các dự án luật, các nghị quyết và báo cáo…, tạo ra không khí làm việc dân chủ, trách nhiệm, xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp.
Không "chạy" theo luật
Chiều cùng ngày, tại Nhà QH, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH - đã chủ trì buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 3, QH khóa XIV.
Tổng Thư ký QH đánh giá đây cũng là lần đầu tiên các phiên thảo luận tại nghị trường chuyển từ "QH phát biểu" sang "QH tranh luận" với tinh thần tạo ra một không khí hết sức dân chủ, đổi mới. "Tại các phiên thảo luận, các ĐBQH đã tích cực giơ biển tranh luận, không chỉ tranh luận giữa ĐB với thành viên Chính phủ mà còn tranh luận giữa ĐB với ĐB, với đích đến là làm rõ vấn đề để cử tri hiểu và các ĐB cũng hiểu lẫn nhau. Đây là điều tích cực, rất cần phát huy" - ông Nguyễn Hạnh Phúc nhìn nhận.
Nét đổi mới của QH cũng được ông Nguyễn Hạnh Phúc chỉ ra ở việc điều hành rất linh hoạt của chủ tọa, nhất là việc chủ tọa quyết định kéo dài thêm thời gian thảo luận căn cứ vào thời lượng chương trình. "Chưa bao giờ có phiên họp nào có tới 93 ĐB đăng ký phát biểu tại một phiên họp như tại kỳ họp này. Việc mở thời gian tạo điều kiện cho ĐB phát biểu nhiều hơn" - ông Phúc dẫn chứng.
Về việc 2 dự án luật là Luật Quy hoạch và Luật Tố cáo (sửa đổi) chưa được thông qua hoặc chuyển ra khỏi chương trình luật thông qua tại kỳ họp 3, Tổng Thư ký QH thông tin: Luật Quy hoạch được rút ra khỏi chương trình các luật được thông qua tại kỳ họp này vì qua đánh giá, xem xét thấy còn nhiều vấn đề. Luật Tố cáo (sửa đổi), qua phát biểu của các ĐBQH trên nghị trường, cũng còn quá nhiều ý kiến khác nhau nên QH quyết định cho kéo dài thêm sang kỳ họp sau để xem xét thấu đáo. Theo ông Phúc, tinh thần của QH là không chạy theo số lượng luật mà chú trọng đến chất lượng, phải bảo đảm tính khả thi của luật để luật đi vào cuộc sống.
Thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu
Tại phiên bế mạc sáng cùng ngày, trên 86% ĐBQH đã ấn nút thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết gồm 19 điều, được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15-8 tới. Một trong những điểm quan trọng nhất của nghị quyết là đã chốt phạm vi xử lý nợ. Theo đó, QH nhất trí phương án chỉ cho phép các ngân hàng được xử lý nợ xấu phát sinh trước thời điểm 15-8-2017. Sau thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, ban hành và áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro cao hơn, hợp lý theo thông lệ quốc tế để giảm thiểu phát sinh nợ xấu mới.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng mức nợ xấu hiện nay chiếm 10,8% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tương đương 600.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)