Trong suốt nhiệm kỳ qua, con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ. Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội (QH) khóa XIV ngày 24-3.
570 chuyến công tác "lên rừng xuống biển"
Trước QH, cử tri và nhân dân cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ập đến tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã "chống dịch như chống giặc", quyết tâm thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Theo người đứng đầu Chính phủ, một trong những điểm nổi bật của công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành nhiệm kỳ vừa qua là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động, tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động. Với tinh thần bám sát thực tiễn, giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác "lên rừng xuống biển" làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở; chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.
Khánh thành cầu Vàm Cống Ảnh: NGỌC TRINH
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu một số xếp hạng, đánh giá của các tổ chức quốc tế về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Theo xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia và xếp thứ 5 trong ASEAN. Về năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, giai đoạn 2018-2020, Việt Nam tăng 10 bậc, từ 77 lên 67/141 quốc gia. Thủ tướng cho rằng kết quả này được đánh giá có mức độ cải thiện về chất lượng cao hơn so với mức trung bình của thế giới, là một trong những minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ, Thủ tướng, các cấp, ngành trong suốt thời gian qua.
Đột phá về hạ tầng
Chú trọng đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính dẫn dắt cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng là một trong những chiến lược mà Chính phủ đã ưu tiên trong chỉ đạo điều hành nhiệm kỳ qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong nhiệm kỳ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường kết nối liên vùng, liên tỉnh như tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống... Đầu tư xây dựng mới, mở rộng hệ thống sân bay, đặc biệt là 3 sân bay: Long Thành, Nội Bài, Tân Sơn Nhất; đầu tư mới 654 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc kết nối các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL. Đặc biệt, tập trung nâng cao năng lực hệ thống cảng biển, logistics, hạ tầng công nghiệp, viễn thông, mạng 5G...
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhắc đến kết quả thu hút FDI là một trong những điểm sáng của nhiệm kỳ. Theo đó, Việt Nam đã thu hút 175 tỉ USD, vốn thực hiện đạt hơn 60% và đang cơ cấu lại việc lựa chọn, nâng cao chất lượng hợp tác đầu tư FDI. Cơ cấu giữa các ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng; các sản phẩm "make in Vietnam" đang mạnh mẽ vươn ra toàn cầu.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với những kết quả tích cực đã đạt được trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị Chính phủ làm rõ tác động của việc chậm hoàn thành nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của Luật Quy hoạch đối với phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp để sớm khắc phục; nguyên nhân chậm triển khai, hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm. Đồng thời, đánh giá rõ hơn kết quả giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả đầu tư các dự án, tỉ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội cho doanh nghiệp và người dân; kết quả thực hiện các chương trình, đề án... nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo; làm rõ thêm một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Trao đổi với phóng viên bên hành lang QH về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng những nội dung đặt ra tại các kỳ chất vấn, giám sát được đưa vào trong các nghị quyết đều là những vấn đề nổi cộm và cơ bản được Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan tư pháp nỗ lực thực hiện. "Mặc dù có những yếu tố khách quan, đặc biệt là trong bối cảnh chịu sự tác động của dịch bệnh làm cho tiến độ thực hiện trong một số lĩnh vực còn chậm nhưng nhiều lĩnh vực đã có sự chuyển biển rõ nét như nông nghiệp, viễn thông, nội vụ..." - đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết nhấn mạnh.
Thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản vi phạm
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong nhiệm kỳ, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo triển khai đồng bộ các kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Xử lý nhiều vụ việc, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản. Trong nhiệm kỳ đã triển khai gần 33.000 cuộc thanh tra hành chính và hơn 1,1 triệu cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 417.490 tỉ đồng, 94.578 ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi 235.522 tỉ đồng, 8.823 ha đất; xử lý khác hơn 181.968 tỉ đồng, 85.755 ha đất, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 9.772 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 462 vụ, 671 đối tượng.
Bình luận (0)