Ngày 24-3, tiếp tục chương trình phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2020 của Chính phủ.
Mở đầu nội dung báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dùng hình ảnh "con tàu Việt Nam" vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ.
Video: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ
Thủ tướng nhấn mạnh năm 2020 đã đi qua với nhiều điểm đặc biệt, trong đó đại dịch Covid-19 ập đến tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới và các quốc gia. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã "chống dịch như chống giặc", quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": Vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Trong 5 năm qua, với phương châm "Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực.
Một trong những điểm nổi bật của công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành vừa qua được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động, tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động
Với tinh thần bám sát thực tiễn, giai đoạn 2016 - 2020, Lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác "lên rừng, xuống biển" làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.
Thủ tướng cho biết, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác "lên rừng, xuống biển"
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ đã tập trung đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính "dẫn dắt" cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Nhiều công trình hạ tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước. Đang đầu tư mới 654 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc kết nối các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường kết nối liên vùng, liên tỉnh như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh, Vàm Cống...
"Đầu tư xây dựng mới, mở rộng hệ thống sân bay, đặc biệt 3 sân bay: Long Thành, Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Tập trung nâng cao năng lực hệ thống cảng biển, logistics, hạ tầng công nghiệp, viễn thông, mạng 5G…" - Thủ tướng nêu rõ.
Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo thực hiện các trọng tâm về cơ cấu lại đầu tư công, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Việc tái cơ cấu DNNN đã tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia.
Chính phủ đã chú trọng cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên của Chính phủ nhằm giúp cho "cỗ máy hành chính" hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và là tiền đề cho nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế.
Đến thời điểm hiện tại đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa chuyên ngành, thực hiện "cơ chế một cửa", "một cửa liên thông" giải quyết nhanh thủ tục, giảm tiêu cực.
Bình luận (0)