Ngày 1-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Chính phủ đã báo cáo Quốc hội một số chính sách mới, quan trọng của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ủy ban Kinh tế cũng đã báo cáo trước Quốc hội về thẩm tra dự thảo Luật.
Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự thảo Luật đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước khi quyết định thu hồi đất.
Dự thảo luật đã cụ thể hóa nguyên tắc "có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" thông qua quy định tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm tái định cư theo thứ tự ưu tiên.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trình bày Tờ trình về dự án Luật Đất đai sửa đổi
Đồng thời, quy định trách nhiệm, cách thức lấy ý kiến người có đất, tài sản trên đất bị thu hồi để đảm bảo khách quan, minh bạch; tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng thực hiện trước, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (tại Điều 86), đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.
Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, dự thảo Luật đã quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất; các trường hợp, điều kiện, tiêu chí đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để công khai minh bạch trong tổ chức thực hiện và giám sát. Quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần, trả tiền thuê đất hàng năm.
Cùng với đó, phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, đặc dụng. Hoàn thiện quy định về việc giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức tôn giáo. Bổ sung quy định để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đất đai.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.
Về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất, dự thảo Luật bỏ quy định khung giá đất, quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan; bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm.
Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì bảng giá đất được xây dựng theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn. Quy định các trường hợp áp dụng bảng giá đất, trong đó áp dụng bảng giá để để tính thuế thu nhập khi chuyển quyền sử dụng đất.
Theo dự thảo luật, sẽ mở rộng thành phần Hội đồng thẩm định giá đất với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức tư vấn, chuyên gia về giá đất để đảm bảo tính độc lập, khách quan. Phân cấp thẩm quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể phù hợp với thẩm quyền của cấp huyện trong giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra
Về giá đất, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nguyên tắc định giá đất "phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường"; quy định rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất cũng như yêu cầu về HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất. Đồng thời, đánh giá tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm, làm rõ nội hàm của việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí để phân biệt với giá đất cụ thể.
Về phát triển thị trường sử dụng đất, dự thảo Luật quy định phát triển thị trường lành mạnh, ổn định thông qua các công cụ tài chính, chính sách thuế tăng thêm đối với các dự án chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng; quy định các giao dịch về quyền sử dụng đất đối với các dự án kinh doanh bất động sản thông qua sàn giao dịch; bắt buộc đăng ký giá đất, tài sản gắn liền với đất; quy định về Ngân hàng đất nông nghiệp.
Về thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về kiểm toán đất đai; theo dõi, đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai; kiểm tra chuyên ngành đất đai; bổ sung hình thức đối thoại, hòa giải tại tòa án; quy định thẩm quyền cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai; quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn. Hoàn thiện các cơ chế giám sát trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật ở từng cấp.
Đối với nội dung này, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng hơn về thực trạng giải quyết tranh chấp đất đai qua UBND các cấp và qua toà án, khả năng đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp về đất đai của hệ thống tòa án. Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi các quy định liên quan, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thực hiện quyền khiếu nại, khiếu kiện khi xảy ra tranh chấp đất đai.
Bình luận (0)