Đây không phải lần đầu Alibaba bị cơ quan chức năng và báo chí "hỏi thăm". Trước đó, cuối tháng 11-2017, Alibaba và Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP HCM đã từng bị phanh phui việc tự nhận làm chủ đầu tư "dự án ma" ở khu Tây Bắc Củ Chi (TP HCM), quảng cáo và huy động vốn của gần 500 khách hàng. Khi đó, lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM cho biết sẽ ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Alibaba. Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Bộ Công an cũng đã làm việc với đại diện công ty này và yêu cầu cung cấp cụ thể việc ký kết, thực hiện các hợp đồng hợp tác tiếp thị, môi giới, phân phối sản phẩm đất nền thuộc các dự án Alibaba Bình Châu, Alibaba Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), các dự án Alibaba Long Phước 1 đến Alibaba Long Phước 14 (tỉnh Đồng Nai). Đến nay, thông tin về kết quả "làm việc" giữa Bộ Công an và Alibaba cũng như hình thức xử lý vẫn chưa được công bố.
Sau đó, Alibaba tiếp tục quảng cáo rầm rộ, mở bán các dự án tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai mà không bị cơ quan chức năng ngăn chặn. Mãi đến gần đây, UBND huyện Long Thành mới có văn bản báo cáo kết quả rà soát tình hình giao dịch mua bán đất nền của Alibaba trên địa bàn. Theo đó, Alibaba liên kết với Công ty CP Địa ốc Tia Chớp (xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) để bán khống những dự án không có thật trên địa bàn huyện, gồm: 21 dự án đất nền thuộc các xã Phước Bình, Long Phước, An Phước; 3 dự án Alibaba Central Park, Alibaba Central Park II, Alibaba Central Park III tại Phước Bình;17 dự án (dự án Alibaba 1 đến Alibaba 16 và dự án khu dân cư quốc tế Lilama) tại xã An Phước và Long Phước. Điều đáng nói là những vị trí mà Alibaba và Công ty CP Địa ốc Tia Chớp rao bán, phần lớn đều là đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp.
Việc Alibaba rao bán đất thông qua các website và mạng xã hội, đồng thời san ủi đường rầm rộ tại các khu vực này một cách công khai nhưng chính quyền địa phương không có những động thái quyết liệt trong việc ngăn chặn, xử lý dẫn đến tình trạng rất nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đặt mua đất nền của 2 công ty này. Không ai có thể tin được rằng Alibaba bán đất nền dự án không hợp pháp một cách công khai như vậy trong thời gian rất dài. Câu hỏi đặt ra là chính quyền địa phương ở đâu, làm gì, khi Alibaba dẫn khách hàng nườm nượp đến "xem dự án"? Lẽ nào sự việc diễn ra giữa "thanh thiên bạch nhật" mà chính quyền không hề hay biết hay biết mà không phản ứng, ngặn chặn?
Hành vi bán đất nền dự án trái phép của Alibaba là rất nghiêm trọng và cần phải xử lý nghiêm khắc. Cơ quan điều tra vào cuộc, làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của Alibaba là điều rất cần thiết trong lúc này. Nếu đủ cơ sở thì phải khởi tố và nghiêm trị.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc buông lỏng quản lý nhà nước về đất đai, để Alibaba ngang nhiên vi phạm pháp luật như chốn không người. Hành vi vi phạm pháp luật của Alibaba để lại hậu quả hết sức nặng nề bởi những dự án phân lô bán nền trái pháp luật này sẽ không được chính quyền công nhận. Nếu ngay từ đầu, chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời, hậu quả chắc chắn sẽ không xảy ra. Vì vậy, ngoài việc xử lý Alibaba về hành vi "Vi phạm các quy định sử dụng đất đai được quy định tại điều 228 Bộ Luật hình sự 2015" thì những người có trách nhiệm quản lý đất đai ở địa phương này cũng phải bị xem xét trách nhiệm do buông lỏng quản lý.
Bình luận (0)