Những yêu cầu quan trọng đặt ra lúc này là phải tiến hành nhất quán, tránh hiện tượng giơ cao đánh khẽ hoặc chạy chọt sinh ra tình trạng không công bằng; đồng thời, phải bảo đảm phục hồi quyền lợi cho những hộ dân đã chịu bao khổ ải trong suốt nhiều năm bị ảnh hưởng bởi các dự án "rùa bò".
Sự mạnh tay của TP HCM là rất cần thiết. Không chỉ để chấm dứt sự lãng phí về quỹ đất mà lớn hơn thế, đã phát đi thông điệp cứng rắn của chính quyền đối với các chủ đầu tư đánh trống bỏ dùi, nhận đất rồi "ngâm" nhằm toan tính, trục lợi. Đó cũng là sự thúc bách đối với những dự án lớn, tác động sâu sắc đến dân sinh, có triển khai nhưng chậm, đến bây giờ thì chỉ có hoặc ngưng hẳn hoặc phải đẩy nhanh tiến độ, không có chuyện ì ạch nữa.
Phải như vậy thì công việc quản lý nhà nước mới được vận hành trôi chảy, các thiết chế xã hội được ổn định, ý thức tuân thủ pháp luật của nhà đầu tư sẽ thay đổi theo hướng tích cực và niềm tin của người dân vào nhà chức trách được củng cố tốt hơn.
Nhìn rộng ra, tỉnh - thành nào cũng có vấn đề nhưng không phải địa phương nào cũng mạnh mẽ nói đi đôi với làm. Ví dụ như tòa nhà 8B Lê Trực ở Hà Nội bị xác định đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về xây dựng, buộc phải cưỡng chế cắt ngọn nhưng những lực lượng hữu trách ở đây cứ chần chừ. Từ tháng 11-2015, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sai phạm tới đâu xử lý tới đó để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật nhưng đến nay, đã 3 năm mà vẫn chưa xong 2 đợt tháo dỡ phần sai phép, công trình này vẫn nằm trơ như trêu ngươi thiên hạ.
Còn Đà Nẵng thì mãi tới hôm qua (19-12), khi trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND về công trình của Mường Thanh xây dựng sai phép từ 2-3 năm trước, nay xử lý ra sao, lãnh đạo Sở Xây dựng TP cho biết tới giờ mới "rà soát lại và tổng hợp các sai phạm để xử lý một lần"! Đã mấy lần lên kế hoạch cưỡng chế 104 căn hộ xây sai phép (4 tầng) nhưng không làm hoặc không làm được, Đà Nẵng nay tiếp tục "hẹn" đến sau Tết Kỷ Hợi sẽ cưỡng chế tháo dỡ. Để cho những người đã lỡ mua căn hộ xây sai phép có điều kiện ăn Tết là việc làm thấu tình nhưng nên nhớ rằng trong trường hợp này cũng phải đạt lý. Mường Thanh cố tình xây sai phép là một chuyện, chính quyền không cưỡng chế để chủ đầu tư này cho người mua vào ở dù chưa nghiệm thu, đó là cái sai lớn hơn. Câu hỏi "ai chống lưng cho Mường Thanh ở Đà Nẵng?", vì thế, vẫn chưa tìm ra lời đáp.
Nợ chồng nợ khi Đà Nẵng vẫn chưa buộc tháo dỡ xong biệt thự của đại gia vàng xây trái phép trên núi Hải Vân, cũng đã 3 năm rồi chứ chẳng phải mới. Sức mạnh của luật pháp nằm ở tính nghiêm minh. Chính quyền phải làm gương chứ nếu chính quyền mà thực thi pháp luật nửa vời thì làm sao đòi hỏi chủ đầu tư hay người dân phải nghiêm cho được!
Bình luận (0)