Tại buổi họp báo về việc "trảm" 180 dự án chậm triển khai ở TP HCM, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng đã lý giải vì sao một số dự án chậm triển khai sau hàng chục năm vẫn được giữ lại. Trong số này có dự án Sing Việt (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) với lý do chủ đầu tư đã chuyển kinh phí cho UBND huyện Bình Chánh để bồi thường cho các hộ còn lại.
Bồi thường thấp, khiếu nại kéo dài
Dự án khu đô thị Sing Việt được Chính phủ chấp thuận địa điểm từ năm 1997 với quy mô 331 ha nhưng đến tận 10 năm sau (năm 2007), UBND TP HCM mới có quyết định thu hồi đất tổng thể. Dự án này do Công ty TNHH Đô thị Sing Việt làm chủ đầu tư được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho bất động sản khu vực phía Tây Nam.
Dự án ảnh hưởng đến 571 hộ dân, trong đó nhiều hộ phải di dời vì giải tỏa trắng. Người dân phản đối dự án do đơn giá bồi thường thấp, không đủ để họ lo cuộc sống mới. Cho đến nay, nhiều hộ vẫn đang khiếu nại nên việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa thể hoàn tất. Theo ghi nhận, dấu ấn của nhà đầu tư để lại sau hơn 10 năm thực hiện chỉ là việc bơm cát san lấp nền để xây dựng khu tái định cư, nay cỏ dại phủ kín.
Dự án Sing Việt (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM) sau hơn 20 năm triển khaiẢnh: SỸ ĐÔNG
Người dân căn cứ vào thông tin do ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, xác nhận trong biên bản làm việc ngày 28-7-2011 là dự án Sing Việt có vốn 100% nước ngoài và bồi thường theo giá thị trường để yêu cầu một mức giá phù hợp. Tuy nhiên, sau 3 lần thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh và chủ đầu tư đưa ra mức bồi thường chỉ từ 150.000 đồng/m2 đất nông nghiệp (cao nhất là 2,67 triệu đồng/m2 đất ở). Để đối chiếu, người dân thuê công ty thẩm định khác xác định giá đất nông nghiệp theo giá thị trường. Cụ thể, giá đất Công ty CP Giám định Ngân Hà đưa ra là từ 636.000 đồng/m2; Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân là gần 2,7 triệu đồng/m2. Mặc dù vậy, kết quả này không được công nhận dẫn đến người dân khiếu nại kéo dài.
Tiếp cận dự án này trong những ngày qua, phóng viên chỉ thấy dọc đường Mai Bá Hương và Trần Đại Nghĩa (xã Lê Minh Xuân) toàn những căn nhà ổ chuột bởi 20 năm qua, không được sửa sang lại. Nhà ông Huỳnh Văn Tiền ở địa chỉ B1/31 Mai Bá Hương đã bị mối ăn các cột gỗ, mái tôn cũng hư hỏng phải thay mấy lần. Ông Tiền cho biết gia đình có 8 người, khi con cái lớn lập gia đình ông không thể xây nhà mới mà chỉ cơi nới dựng mái tôn ở chung. Từ khi thông báo quy hoạch, vườn cây ăn trái rộng 2,7 ha của ông phải bỏ hoang. "Trước đây, mỗi năm tôi thu được hơn 100 triệu đồng từ vườn cây nhưng giờ thì phải đi làm thuê khắp nơi để kiếm sống. Là nông dân, tôi rất xót khi thấy cảnh đất của mình bị thu hồi rồi bỏ hoang" - ông Tiền tiếc nuối.
Nhà đầu tư tố ngược
Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương - nhà đầu tư dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ và sân khấu Trống Đồng, cho biết công ty vừa có văn bản gửi UBND TP liên quan đến việc dự án này nằm trong 180 dự án bị khai tử.
Theo bà Quỳnh, dự án bãi đậu xe sân khấu Trống Đồng được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư và giao đất ngày 15-7-2010. Suốt 8 năm qua, công ty chưa triển khai là do vướng nhiều thủ tục và phải liên tục điều chỉnh, thay đổi thiết kế. Cụ thể là hàng loạt thủ tục như xác định đơn giá thuê đất cho dự án, cấp phép PCCC, đặc biệt là các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, xin cấp phép xây dựng và quy hoạch…, kéo dài nhiều năm. Vướng mắc gần đây nhất là việc dự án bị trùng với vùng kiểm soát của tuyến metro số 2 nên phải làm lại thiết kế. Bà Quỳnh cho rằng đây không phải lỗi của nhà đầu tư, bởi trong quá trình thỏa thuận quy hoạch, bà chưa từng được nhận thông báo về hướng tuyến metro. Ban Quản lý đường sắt đô thị TP cũng không thông tin về quá trình thiết kế tuyến nên công ty hoàn toàn bị động.
Đại diện công ty này cho hay tất cả các thủ tục, vướng mắc từ năm 2010 đến nay đều được đơn vị này báo cáo đầy đủ, định kỳ cho UBND TP và các sở, ngành liên quan nhằm tháo gỡ để dự án nhanh được triển khai. "Chúng tôi đã mất quá nhiều thời gian, tâm huyết để theo đuổi dự án này nên thông tin cho rằng Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương chậm triển khai dự án là không đúng" - bà Quỳnh nói.
26 năm còn làm... thủ tục đấu thầu
Một dự án khác cũng thuộc diện thoát "án tử" là khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) dù dây dưa 26 năm qua. Theo lý giải của giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì do UBND TP đang làm thủ tục đấu thầu chọn nhà đầu tư nên dự án này vẫn còn trong thời gian thực hiện các bước triển khai. Như vậy, người dân phải tiếp tục chờ TP làm thủ tục đấu thầu cũng như kết quả sau này, cùng với đó là quyền lợi vẫn tiếp tục bị treo.
Để hỗ trợ người dân, UBND TP đã chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng là cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để người dân có thể xây dựng, sửa sang nhà chứ không bị ràng buộc như trước đây.
Bình luận (0)