Đại Cathay, Minh "Cầu Muối", Châu Phát Lai Em, Hùng "điên"… là những tay giang hồ vang bóng một thời ở khu chợ Cầu Muối, quận 1, TP HCM. Mỗi cái tên gắn với những giai thoại lẫy lừng ở khu vực này và chợ Cầu Muối được cho là "lò" sản sinh ra các ông "trùm".
Bảo kê sạp hàng, bốc xếp, lái xe
Khi quan binh triều Nguyễn mở cõi vào Nam, họ đã cho xây một cái kho tại bến thuyền rạch Bến Nghé (nay là đường Nguyễn Thái Học) làm chỗ thu thuế và chứa hàng hóa nên giờ vẫn còn địa danh Cầu Kho (quận 1, TP HCM). Tại đây, có rất nhiều ghe thuyền chở hàng hóa, lương thực từ miền Tây và vùng Đông Nam Bộ về tập kết làm đầu mối phân phối đi khắp các tỉnh, thành.
Giao thương tấp nập nên nhiều người Hoa và dân lao động tứ xứ kéo đến đây dựng chòi lập ra chợ Cầu Muối cách không xa cái kho này. Hàng quán ở chợ Cầu Muối phát triển, tiểu thương họp chợ càng đông, lượng hàng hóa càng lớn kéo theo đội quân bốc vác tăng lên. Tình trạng tranh giành trong làm ăn bắt đầu xảy ra. Lúc này, giới cửu vạn lập thành những nhóm nhỏ để thầu việc bốc xếp hàng hóa thì giới kinh doanh cũng cần bảo kê để yên ổn làm ăn. Một thế lực đen với những cái tên hùm bá bắt đầu hiện diện. Từ đó, cảnh dao bay, gậy ném, đâm chém loạn xạ giữa các băng nhóm giang hồ tranh giành địa bàn diễn ra như cơm bữa. Những người làm ăn chân chất cũng phải trở nên dữ dằn để có thể tồn tại ở khu vực khốc liệt này.
Người dân trong khu chợ Cầu Muối (quận 1, TP HCM) đang trải qua một cuộc sống thanh bình
Từ những năm 1950-1965, chợ Cầu Muối được ví như "Bến Thượng Hải" ở Việt Nam. Đứng đầu trong "Tứ đại thiên vương" giới giang hồ thời này là Lê Văn Đại (Đại Cathay), thâu tóm đàn em, bảo kê hầu hết nhà hàng, khách sạn, tiệm hút chích, sàn nhảy ở khu vực trung tâm Sài Gòn. Chỉ 20 tuổi nhưng Đại Cathay đã là tay trùm khét tiếng. Cùng thời điểm đó, nhận thấy khu chợ Cầu Muối có khả năng làm ăn nên Đại Cathay đã hợp tác với Bảy Si (anh vợ Năm Cam) mở các sòng bài bên trong chợ. Thế lực của Đại Cathay ngày càng bành trướng khiến chính quyền Sài Gòn phải tổ chức một cuộc "bài trừ du đãng". Đại Cathay bị bắt và giam tại nhà tù Phú Quốc khi mới 26 tuổi.
Sau đó, chợ Cầu Muối rơi vào tay trùm Nguyễn Văn Minh (Minh "Cầu Muối"). Người này đã xây dựng một đế chế cai quản với cả trăm đàn em, vừa bảo kê hoạt động kinh doanh của các chủ hàng vừa điều binh khiển tướng đội khuân vác, lái xe chở hàng. Nội quy mà Minh "Cầu Muối" đưa ra: "Đôi bên cùng có lợi, sạp hàng tồn tại thì chúng ta tồn tại".
Sau năm 1975, nhiều vùng đất dữ ở Sài Gòn đã bị lực lượng công an xóa sổ nhưng rồi một ông trùm mới nổi lên khôi phục những tay anh chị máu mặt một thời biến chợ Cầu Muối thành hội sở của giới giang hồ. Sau khi giúp một tay trùm triệt hạ Lâm "chín ngón", chợ Cầu Muối lọt vào tay Châu Phát Lai Em - một đàn em Năm Cam. Ông trùm này ép các chủ hàng, tiểu thương cho nhóm đàn em của mình thầu việc bốc xếp và nộp tiền bảo kê hằng tháng.
Điểm thu hút khách du lịch
Trước thực trạng trên, không để các băng nhóm giang hồ ban hành những "luật ngầm" để hưởng trên lưng những tiểu thương, Công an TP HCM đã tăng cường lực lượng công an cho phường Cầu Ông Lãnh gấp 4 lần so với các phường khác. Mục đích nhằm nắm bắt tâm tư, thông tin từ các tiểu thương buôn bán ở chợ Cầu Muối. Từ những bức xúc của người dân, lực lượng công an mời từng đối tượng giang hồ lên làm việc, vận động họ thay đổi nhận thức, nếu vẫn tiếp tục phạm pháp thì đưa đi cải tạo. Mọi thứ dần dần thay đổi.
Cho đến năm 2003, khi TP HCM có chủ trương di dời chợ Cầu Muối ra Thủ Đức thì tình hình yên ổn. Kể từ đó, chợ Cầu Muối bước sang trang mới.
Một con hẻm còn treo bảng “Chợ Cầu Muối” như muốn lưu lại những kỷ niệm xưa
Những ngày giữa tháng 11-2018, chúng tôi về khu chợ này tìm lại "dư âm" của những ông trùm năm xưa. Chợ Cầu Muối xưa giờ là một khu vực sầm uất với nhiều công trình cao chót vót, nhà hàng, khách sạn sang trọng. Khu chợ không còn bốn mặt tiền mà là những dãy nhà ống kinh doanh đầy đủ các mặt hàng, chỉ còn sót lại những quầy rau, thịt nhỏ lẻ.
Bà Võ Thị Tâm - chủ một sạp hàng ở đường Cô Giang, đã trải qua 3 đời làm mưa làm gió của 3 ông trùm giang hồ nơi đây - cho biết: Cách đây 2 năm, một ông trùm ở giai đoạn 1990 lớn tuổi, suy yếu và đã mất. Từ khi chợ Cầu Muối giải tỏa thì nơi đây không còn cảnh bảo kê, giành giật như trước". "Vậy bây giờ còn giang hồ nào ở chợ Cầu Muối?" - chúng tôi hỏi. Bà Tâm cười to: "Treo thưởng 10 triệu đồng cho chú tìm ra một giang hồ nào thì tới đây lấy tiền của tôi. Ở đây giờ là điểm khách du lịch tới tham quan, tìm hiểu. Khách nước ngoài thuê khách sạn ở Bùi Viện, Đề Thám mỗi chiều hay đi bộ tới đây chụp hình, tìm hiểu những ký ức xưa ở chợ Cầu Muối".
Công an phường Cầu Ông Lãnh cho biết tình hình an ninh trật tự trên địa bàn nhìn chung ổn định nhờ sự đoàn kết giữa người dân và các cấp chính quyền. Những băng nhóm du đãng giang hồ như lúc trước không còn ở khu vực này. Thành phần nghiện ngập trên địa bàn cũng không còn nhiều. Mỗi khi truy quét, chỉ bắt được các đối tượng lang thang đưa đi cai nghiện chứ những người có hộ khẩu ở phường thì rất ít.
Người buôn bán nhỏ gặp khó
Một lãnh đạo Công an phường Cầu Ông Lãnh cho biết khi chợ dời đi, những người bốc xếp, tiểu thương và các giang hồ không còn đất sinh sống đành giải thể, tứ tán khắp nơi. Thỉnh thoảng vẫn có vài vụ trộm cắp lẻ tẻ nhưng nhìn chung, khu vực chợ Cầu Muối rất yên bình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân khu vực Cầu Muối còn khó khăn. Đó là những người buôn bán nhỏ lẻ hai bên chân Cầu Ông Lãnh, vì mưu sinh, họ lấn chiếm lòng lề đường nên khi có chiến dịch giành lại sự thông thoáng vỉa hè, họ chật vật mưu sinh.
Bình luận (0)