Theo tin từ Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội (QH) sáng 9-6, Ủy ban Thường vụ QH đã thống nhất với Chính phủ, trình QH xem xét, cho lùi việc thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu) trong kỳ họp thứ 5 đang diễn ra, sang kỳ họp thứ 6, QH khóa XIV, dự kiến khai mạc tháng 10-2018.
Cầu thị và tôn trọng nhân dân
Đáng lưu ý, sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ QH đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự án luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt, thời hạn cho thuê đất tại đặc khu có thể kéo dài tới 99 năm.
Khẳng định dự án luật đã được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, nhằm thể chế hóa nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng 3 đặc khu, tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, có sức lan tỏa lớn, song Chính phủ cũng cho rằng lùi thông qua dự luật để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện. Chính phủ đánh giá việc này nhằm bảo đảm dự án luật khi trình QH thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của đại biểu và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh - quốc phòng và chủ quyền quốc gia.
Đại biểu QH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) bày tỏ sự vui mừng khi Chính phủ, QH đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân "bằng tâm thế rất cầu thị và tôn trọng nhân dân". Đây là tín hiệu rất tốt, hy vọng người dân sẽ phần nào yên tâm, tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng vào Đảng, QH, Chính phủ trong thời gian tới.
"Một đạo luật khi được thông qua có thể không nhận được sự thống nhất tuyệt đối nhưng nhất định phải đạt được sự đồng thuận cao, hài hòa giữa ý chí của nhân dân với ý chí của Đảng và nhà nước. Bởi lẽ, nhân dân là một bộ phận xã hội có tính phản biện sâu sắc nhất về luật và chính sách" - bà Hiền nói và cho biết đã có nhiều câu hỏi được đặt ra về dấu hiệu "tham nhũng chính sách" ngay từ khâu tham mưu, soạn thảo dự luật.
Đại biểu tỉnh Phú Yên thừa nhận rằng nếu không sáng suốt nhận diện và đón nhận những ý kiến phản biện khoa học dẫn đến luật ban hành sai, không hài hòa lợi ích thì trách nhiệm đầu tiên chính là QH và từng đại biểu. "Có những dự luật trình ra nhiều kỳ họp vẫn khiến dư luận "dậy sóng" đã làm cho cá nhân tôi cũng như nhiều đại biểu khác rất băn khoăn, nghi ngại trong việc tham mưu xây dựng luật. Tôi cho rằng đại biểu không thể cho phép mình bỏ qua những yêu cầu quan trọng trong quá trình tham gia xây dựng luật. Nếu xem nhẹ việc bấm nút, biết đâu sẽ gây ra nguy hại cho xã hội, cho đất nước" - đại biểu Hiền bày tỏ.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nhận định: "Thủ tướng dù đang ở Canada nhưng với quyết định ban hành vào sáng cuối tuần đã chứng tỏ tiêu chí mà ông định hướng cho nhiệm kỳ của mình. Đó chính là một Chính phủ hành động sau khi đã lắng nghe các ý kiến trái chiều. Một quyết định rất hợp lý và tôi đánh giá cao".
Một góc Bắc Vân Phong, nơi hình thành đặc khu kinh tế trrong tương lai. Ảnh: Kỳ Nam
Lo địa phương đua đòi đặc quyền
Dưới góc độ chuyên gia, TS Lê Đăng Doanh đánh giá quyết định của Chính phủ là "bước đầu đầy hy vọng, tích cực cho quá trình sửa đổi luật và tiến tới tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân".
Góp ý không nên ban hành luật cho 3 đặc khu cụ thể, bởi TS Lê Đăng Doanh nhìn ra những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến bất ổn và khó quản lý với nền kinh tế. "Luật là ban hành cho cả nước, cho toàn thể công dân chứ không có luật cho địa phương riêng. Chúng ta có luật cho 3 đặc khu thì có nguy cơ tiếp theo sẽ có cuộc đua đòi đặc quyền của nhiều địa phương. Đây là nguy cơ lớn sẽ phá nát nền kinh tế của chúng ta. Chỉ nên ban hành luật chung về đặc khu, sau đó cho ra nghị quyết của QH vận dụng cho 3 đặc khu này" - ông Doanh phân tích.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng đặc khu muốn phát huy tác dụng thì phải đưa ra được một thể chế vượt trội, thể hiện tính chuyên nghiệp, năng động và phù hợp với những hiệp định thương mại tự do đã ký kết, trong đó bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng, sự công khai minh bạch… Vị chuyên gia thẳng thắn chỉ rõ sức hút, thể chế đáng kỳ vọng đó lại không được quy định tại dự luật này, mà thay vào đó là đưa ra sự hấp dẫn bằng những ưu đãi thuế, đất đai. "Ưu đãi những cái cụ thể như thế thì nhà nước thiệt, trong khi thu hút được gì thì chưa rõ" - TS Lê Đăng Doanh băn khoăn.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng xem xét thêm dự luật trong 6 tháng không quan trọng bằng việc nhận diện và khắc phục các vấn đề còn hạn chế. "Mục đích của việc làm đặc khu là tạo ra đột phá cho tăng trưởng theo nghĩa dựa nhiều hơn vào năng suất lao động sáng tạo và thể chế, qua đó có sức lan tỏa. Tuy nhiên, việc thể hiện cụ thể như nào lại chưa rõ" - ông Thành nhận định.
Theo ông Thành, ngoài việc lựa chọn vị trí đặc khu, vẫn còn 3 vấn đề cần hoàn thiện trên cơ sở tham vấn, trao đổi. Thứ nhất, phải xác định và quản lý được vấn đề tự do hóa và dịch chuyển nguồn lực tại đây. Thứ hai, về thể chế thực thi, cần xác lập nguyên tắc minh bạch, nhanh gọn, để dễ đồng thuận trong cấu trúc quyền lực, công tác giám sát, dịch vụ công và chính quyền số. Thứ ba, liên quan đến ưu đãi cho nhà đầu tư, TS Võ Trí Thành chỉ rõ ưu đãi chúng ta đưa ra dựa quá nhiều vào thời hạn thuê đất, thuế và cho rằng nên có quy định gắn liền ưu đãi dựa trên kết quả kinh doanh.
"Nhưng trên hết, vấn đề an ninh quốc phòng là nguyên tắc số 1" - ông Thành đặc biệt lưu ý.
. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội):
Cần thiết phải trưng cầu ý kiến của nhân dân
Trong suốt chuyến công tác cuối tuần, tiếp xúc với rất nhiều người, từ anh lái xe cho đến các đại biểu QH, lãnh đạo tỉnh, ủy viên Trung ương Đảng…, tôi đều thấy họ có cảm giác chung là hài lòng, hân hoan khi hay tin Chính phủ đề nghị chưa thông qua dự án Luật Đặc khu. Bản thân tôi cũng vậy, bởi đây là một quyết định rất kịp thời và hợp lòng dân, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng chung, thể hiện QH, Chính phủ rất lắng nghe nhân dân.
Tôi cũng lưu ý thêm là Chính phủ, QH phải xem xét thêm các nội dung cơ bản của dự án luật này… Ví dụ, đầu tư ở địa điểm nào, tại sao không có những ưu đãi để tiếp tục thúc đẩy hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP HCM? Cần những ưu đãi gì để không ảnh hưởng đến lãnh thổ của chúng ta? Sau khi vận hành, đặc khu mang lại lợi ích kinh tế như thế nào?...
Hy vọng sẽ có những nghiên cứu cụ thể, công bố cho nhân dân biết và luật cần được trưng cầu ý kiến của nhân dân.
. Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội:
Thông tin không đến được với người dân đầy đủ
Việc lùi thông qua dự Luật Đặc khu là sự thận trọng cần thiết của Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ trước khi ban hành một chính sách lớn, không chỉ liên quan đến kinh tế đơn thuần mà cả quốc phòng, an ninh. Nội dung này từ khi thảo luận tổ cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét thấu đáo, nhất là Việt Nam chưa có tiền lệ về xây dựng đặc khu. Vì vậy, tôi đánh giá cao quyết định nêu trên.
Chính phủ cần rà soát tổng thể cả về chính sách lẫn các vấn đề về bảo đảm quốc phòng, an ninh để khi luật ra đời thì điều chỉnh được trên mọi phương diện. Cũng cần phải thừa nhận rằng ở đây có vấn đề thông tin không đến được với người dân đầy đủ. Với tư cách là người đã đọc dự thảo luật, nghiên cứu kỹ dự án, tôi cho rằng rất cần phải cung cấp cho nhân dân biết chính sách cụ thể trong dự luật là gì.
Tôi đề nghị lấy ý kiến người dân rộng rãi hơn bởi chúng ta đã có Luật Trưng cầu ý dân. Cùng đó, ban soạn thảo có thể tổ chức thêm nhiều hội thảo về xây dựng đặc khu kinh tế để tổng hợp được ý kiến nhiều chiều, giúp ban hành được chính sách thấu đáo.
Bình luận (0)