Trong tiết trời thu dịu nhẹ của những ngày cuối tháng 10, sân Trường THCS Bùi Thị Xuân (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bỗng trở nên sôi động hẳn. Cả thầy và trò háo hức mong đợi buổi triển lãm số "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý", do Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Nha Trang phối hợp tổ chức.
Khen thưởng động viên học sinh tham dự triển lãm số về Hoàng Sa, Trường Sa
Thêm yêu biển đảo quê hương
Với đặc thù có 2 điểm trường, một ở đất liền và một ở đảo Trí Nguyên, Trường THCS Bùi Thị Xuân luôn chú trọng giáo dục cho học sinh kiến thức, tình yêu với biển đảo quê hương thông qua các tiết học, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt ngoại khóa, các buổi chuyên đề...
Kiến thức liên quan đến biển đảo, công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển của ông cha ta theo chiều dài lịch sử phát triển đất nước đều xuất hiện trong các môn học ngữ văn, lịch sử và địa lý. Hình thức và phương pháp truyền đạt mới như cách mà trường này đang làm giúp học sinh say mê, hứng thú hơn.
Mở đầu buổi triển lãm số, người dẫn chương trình giới thiệu khái quát về những vị trí đặt tư liệu về quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa; giới thiệu chung về vị trí địa lý và vai trò địa chính trị quan trọng của biển Đông. Khi học sinh đã hình dung ra vai trò của biển đảo thì cũng là lúc các hình ảnh trực quan bằng video công nghệ 3D lần lượt được trình chiếu trên màn hình LED. Chiếc màn hình lớn được đặt giữa sân trường, thiết kế xung quanh với nhiều họa tiết sóng biển, con thuyền vươn khơi, cột mốc chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa, ở giữa là lá cờ Tổ quốc.
Học sinh tìm hiểu các tư liệu về chủ quyền biển đảo được trưng bày tại Trường THCS Bùi Thị Xuân
Ngồi bên dưới, cả thầy và trò chăm chú hướng mắt lên màn hình để cùng xem nhiều tư liệu quý giá về thư tịch, châu bản triều Nguyễn, bản đồ cổ của Việt Nam; bản đồ của các nước phương Tây; bản đồ của Trung Quốc; các tư liệu trước năm 1975... Lần lượt đến các mô hình tàu cá, cột mốc chủ quyền biển đảo và cả những thước phim tổng hợp về nhịp sống của quân và dân ở huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa - nơi triệu trái tim của người dân Việt Nam luôn hướng về.
Các em còn được tham gia vào việc trả lời nhanh những câu hỏi từ phía ban tổ chức đặt ra. Nội dung xoay quanh những thông tin có trong các tư liệu đã xem hay những câu hỏi mang tính thời sự và có cả những câu hỏi liên hệ bản thân.
Mỗi một câu hỏi nêu ra đều có hàng chục cánh tay xung phong trả lời. Để thử mức độ hiểu sâu vấn đề của học sinh, người dẫn chương trình không ngần ngại "hỏi xoáy - đáp xoay" về số năm ban hành bản đồ, chiều dài đường bờ biển tỉnh Khánh Hòa, tọa độ điểm cực đông ở Mũi Đôi - Hòn Đầu (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh), hay tổng số thực thể đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa.
Các em thảo luận sôi nổi về chủ đề biển đảo
Hình thành tinh thần dân tộc
Cùng với triển lãm số, ban tổ chức còn kỹ lưỡng sắp xếp một khu riêng để trưng bày trực tiếp gần 60 hình ảnh, tư liệu quý, bản đồ thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Góc triển lãm nào cũng thu hút đông học sinh đến xem, thảo luận sôi nổi...
Nhìn các em chăm chú theo dõi từng thước phim, có em mang tập, bút ghi chép cẩn thận, mới thấy sức hút của hoạt động tuyên truyền này. Điều đó cũng chứng minh dù thông tin có nặng về kiến thức lịch sử, địa lý và chính trị thì chỉ cần có cách truyền đạt phù hợp vẫn sẽ giúp học sinh hứng thú học tập.
Triển lãm chỉ là một phần trong đổi mới sáng tạo dạy và học ở Trường THCS Bùi Thị Xuân. Những năm qua, nhà trường lồng ghép việc tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về chủ quyền biển đảo cho học sinh vào các môn học. Cụ thể, trong môn Giáo dục địa phương (theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018), giáo viên chủ động lồng ghép nội dung, như sưu tầm những bài báo, tác phẩm văn học viết về biển đảo để phổ biến cho học sinh. Các em cũng có thể tự sáng tác thơ văn, viết kịch bản, diễn xuất để thể hiện nhiều đề tài liên quan đến biển đảo.
Ở môn âm nhạc, giáo viên khuyến khích học sinh chọn và tập hát những bài ca ngợi biển đảo. Trong môn lịch sử, địa lý, học sinh chọn một sự kiện hay thông tin về một xã đảo, huyện đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa để làm việc nhóm và tự giới thiệu trước lớp. Với môn mỹ thuật, học sinh tự do lựa chọn và sáng tạo với những bức tranh mang chủ đề này. Qua từng nét chì, vệt màu, các em mang vào trong tranh nét đẹp bình dị của làng chài Cửa Bé, Bích Đầm, Vĩnh Lương, về bộ đội Hải quân, ngư dân… Đằng sau những bức tranh ấy, ẩn chứa tình yêu biển đảo, với Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu và khát vọng hòa bình trên biển Đông của các em.
Người viết tin rằng những kiến thức về biển đảo quê hương được truyền đạt qua những tiết học, những buổi sinh hoạt ngoại khóa, triển lãm như thế sẽ giúp học sinh nâng cao nhận thức, hiểu biết về chủ quyền biển đảo. Đó cũng là nền tảng để hình thành ý thức, lòng tự hào, tinh thần tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bình luận (0)