xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chớ liều với xe đưa rước học sinh

NHÓM PHÓNG VIÊN

Xe cũ nát, không bình chữa cháy, không kính, hết hạn đăng kiểm,... nhưng vẫn được dùng để đưa rước học sinh khiến ai chứng kiến cũng phát sợ

Tuần qua, tại tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đã xảy ra ít nhất 4 vụ xe đưa rước làm rơi học sinh, phát hỏa khi đang lưu thông trên đường. Đó mới chỉ là những vụ vô tình được camera ghi lại và tung lên mạng xã hội, còn riêng những gì chúng tôi ghi nhận được thì nguy cơ tai nạn từ xe đưa rước học sinh cao hơn nhiều. Hiểm họa này cần phải sớm được ngăn chặn.

Cũ nát, thiếu an toàn

Ghi nhận trong nhiều ngày ở Trường THCS Hòa Hưng trên đường Ngô Quyền thuộc xã An Hòa, TP Biên Hòa, cứ gần 16 giờ, nhiều chiếc xe đưa rước học sinh tập trung trước cổng trường. Nhìn bên ngoài đã thấy trong số này có quá nhiều xe đã cũ nát, dàn đồng gỉ sét, móp méo, thậm chí không có cả kính và đèn xe. Bên trong xe, nhiều chiếc được hoán cải từ ghế ngang thành ghế dọc, những băng ghế dài, không có chỗ tựa, chỗ bám tay. Một số xe chừa chỗ trống, các em học sinh lên xe mang theo ghế xúp để ngồi.

Vào giờ tan lớp, học sinh ùa ra. Những chiếc xe nêm chặt học sinh, các em ngồi cả lên nhau, mặc sức trêu đùa. Có em thò tay, thò đầu ra ngoài những chiếc xe không có kính, reo hò, gọi nhau í ới. Những chiếc xe nổ máy, gầm lên rồi xịt khói cứ thế lao đi. Những chiếc xe bệ rạc như vậy nhưng quan sát kỹ tem đăng kiểm phía trước, thấy vẫn còn… được đăng kiểm (!).

Chớ liều với xe đưa rước học sinh - Ảnh 1.

Nhờ thường xuyên kiểm tra và mở cao điểm xử lý nên các sự cố liên quan đến xe đưa rước học sinh ở TP HCM cơ bản được ngăn ngừa Ảnh: GIA MINH

Tại khu vực gần Trường Tiểu học Long Bình Tân (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa), tình trạng cũng tương tự. Tại đây ghi nhận đến buổi tan trường, tập trung nhiều xe đưa rước học sinh với bề ngoài cũ kỹ, ì ạch, hầu như chiếc nào cũng chở quá số người quy định. Chị Bình, ngụ phường Long Bình Tân, cho biết trước đây cũng gửi con theo xe đưa rước để đi học nhưng thấy những chiếc xe không bảo đảm, chị đành bớt thời gian tự đưa đón con bằng xe máy. "Tình trạng dùng xe "nát", xe hết "đát" đưa rước học sinh có từ nhiều năm nay nhưng nhà trường và các cơ quan chức năng không mấy quan tâm nên tôi không dám cho con đi…" - chị Bình nói.

Còn ở Bình Dương, sau vụ xe đưa rước bỗng nhiên phát hỏa, hỏi phụ huynh học sinh Trường Tiểu học An Phú, thị xã Thuận An, ai cũng lo sợ cho an toàn của con em mình. Ông Lê Văn Huệ, phụ huynh ở phường An Phú, chia sẻ: "Trong những xe đưa đón học sinh ở phường An Phú tôi nghi ngờ có một số xe quá đát. Tôi kiến nghị CSGT nên lưu ý vấn đề này để kiểm tra, phạt nặng những chủ xe xem nhẹ tính mạng của học sinh".

Lỗi đâu chỉ ở nhà xe và tài xế

Ông La Tấn Phát, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, cho biết nhà trường đã làm việc với tài xế Nguyễn Hữu Thiện, chủ chiếc xe 61H-2335 chuyên đưa đón học sinh gặp sự cố làm xe bốc cháy nhưng xe không có bình chữa cháy, khiến học sinh chạy tán loạn. Tài xế cho biết xe mình mua lại từ người khác nhưng vẫn còn hạn đăng kiểm. Việc đưa đón học sinh từ nhà đến trường thực hiện theo giao kèo giữa tài xế và các phụ huynh. "Mỗi ngày đến giờ đưa đón là có rất nhiều xe vào trường đón học sinh, trong đó không ít xe do phụ huynh thuê, chúng tôi không thể kiểm soát được số lượng. Mỗi khi họp với phụ huynh chúng tôi đều khuyến cáo phải lưu ý tính an toàn khi chọn xe để chở con em mình đến trường. Tuy nhiên, ở đây nhiều phụ huynh là công nhân, kinh tế khó khăn nên đôi khi họ chọn xe theo giá cả, xe đưa đón giá rẻ thường được chọn" - ông Phát nói.

"Là phụ huynh ai cũng nghĩ xe được lưu thông đồng nghĩa với mọi thứ an toàn, bởi có khá nhiều đơn vị chịu trách nhiệm quản lý xe như đăng kiểm, CSGT, TTGT, nhà trường chứ không thể đổ hết cho tài xế, chủ xe khi phát hiện xe thiếu thiết bị an toàn được" - ông Huệ bức xúc nói và yêu cầu xử nghiêm vụ việc để tránh những trường hợp tương tự.

Chớ liều với xe đưa rước học sinh - Ảnh 2.

Chiếc xe đưa rước trong vụ làm rơi học sinh tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai thay đổi kết cấu bên trong Ảnh: XUÂN HOÀNG

Quay trở lại những vụ xe đưa rước làm rớt học sinh ở Đồng Nai, dư luận không khỏi ngỡ ngàng khi lộ nhiều chuyện động trời. Đó là tài xế xe 16 chỗ biển kiểm soát 60V-8429 đưa rước làm rơi 2 học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Diên Hồng (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) giả, ngoài ra chiếc xe đã hết hạn đăng kiểm, không có phù hiệu xe kinh doanh vận tải, không có hợp đồng vận tải. "Làm việc với Công an huyện Trảng Bom và Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT), tài xế xe trên cung cấp GPLX hạng E. Sở GTVT sau đó xác định đây là GPLX giả và đề nghị công an điều tra xử lý" - ông Não Thiên Anh Minh, Phó Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Đồng Nai, cho biết.

Bình luận về việc này, một phụ huynh Trường Tiểu học Diên Hồng cho rằng với lỗi động trời như trên thì phải làm rõ trách nhiệm của nhiều bên chứ không thể phạt tài xế và chủ xe số tiền vài chục triệu như Đồng Nai đã phạt là xong. "Chiếc xe chạy thời gian dài trong điều kiện "nhiều không" như vậy mà vẫn vô tư qua mặt các cơ quan làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thì quả là... quá tài" - vị phụ huynh bình luận thêm.

Cách làm hay từ TP HCM

Tại TP HCM, theo Thanh tra Sở GTVT, đơn vị này xem việc kiểm tra xe đưa rước học sinh là việc làm thường xuyên để bảo vệ an toàn cho các em. Theo đó, Thanh tra sở thường xuyên mở cao điểm tổng kiểm soát các hoạt động của loại xe này. Riêng năm 2019, theo ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP, đầu tháng 11, đơn vị đã mở đợt cao điểm kiểm soát và sau hơn 1 tháng thực hiện, các đơn vị đã kiểm tra 51 trường học, 97 phương tiện với 2.752 học sinh. Trong đó, chỉ phát hiện 4 trường hợp vi phạm về bình chữa cháy hết hạn và lập tức chấn chỉnh.

Trước đó, trong kế hoạch thực hiện, TTGT TP đã phối hợp với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cùng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP, kiểm tra đột xuất cả những tuyến xe buýt đưa rước học sinh có trợ giá và không trợ giá. Đồng thời, phối hợp các trung tâm đăng kiểm tại TP xây dựng lịch kiểm tra, xử lý tài xế cùng đơn vị kinh doanh vận tải trong việc bảo đảm các điều kiện về tài xế, an toàn kỹ thuật của xe. Thanh tra Sở GTVT cho biết đợt cao điểm này sẽ kéo dài đến hết năm 2019.

Trong ngày 6-12, Thanh tra Sở GTVT phối hợp Sở GD-ĐT TP, kiểm tra hoạt động của các xe đưa rước học sinh tại Trường THCS Trần Đại Nghĩa và THCS Lương Định Của (quận 2). Qua kiểm tra, 100% xe được kiểm tra bảo đảm các điều kiện an toàn về thiết bị PCCC, giấy phép lái xe của tài xế...

Theo ghi nhận của chúng tôi, dù bị kiểm tra thường xuyên nhưng các tài xế đều đồng tình và cho rằng cần thiết để nâng cao ý thức, siết chặt việc bảo đảm an toàn của doanh nghiệp vận tải cũng như chính bản thân lái xe. "Trong quá trình đưa rước, trách nhiệm và vai trò của tài xế đặc biệt quan trọng, không chỉ riêng việc lưu thông trên đường mà còn quan sát, kiểm soát các trẻ. Đặc biệt là phải kiểm soát được việc đón tận nhà, đưa trực tiếp đến trường. Do đó, việc nâng cao nhận thức trong vấn đề này rất quan trọng" - một tài xế được kiểm tra nói.

Ráo riết vào cuộc sau hàng loạt sự cố

Liên quan những vụ việc bất thường ôtô hết hạn kiểm định "đánh rơi" học sinh trong thời gian qua, Ban ATGT tỉnh Đồng Nai cho biết ngay sau đó đã vào cuộc làm rõ các vụ việc đồng thời có công văn gửi Công an tỉnh, Sở GTVT, Sở Sở GD-ĐT, UBND huyện Trảng Bom, UBND các huyện và thành phố về việc yêu cầu kiểm tra, làm rõ xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan việc sử dụng xe đưa rước học sinh, nhằm chấn chỉnh tình trạng.

Ông Nguyễn Phan Trong, Chánh Thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai, cho biết sau các vụ việc, lực lượng chức năng hiện tập trung, chú trọng xử lý các trường hợp chủ xe, lái xe chưa được cấp phù hiệu kinh doanh vận tải, phương tiện hết hạn đăng kiểm, hết niên hạn sử dụng, sử dụng phương tiện không đúng mục đích nhưng vẫn cố tình lưu thông trên đường. "Nếu phát hiện xe hết niên hạn sử dụng tất nhiên sẽ tịch thu ngay, để không xảy ra tình trạng xe không bảo đảm an toàn giao thông tham gia đưa đón học sinh..." - ông Trong nói.

Riêng Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai cũng đã có công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh bảo đảm an toàn cho học sinh sử dụng xe đưa rước. Sở yêu cầu việc ký hợp đồng xe đưa rước phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, các tiêu chuẩn phải bảo đảm theo luật định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo