Trong đó, chợ Hương An có địa thế thuận lợi nhất vì nằm trên đường thiên lý Bắc Nam, lại có ngã ba chạy lên vùng Quế Sơn, Khâm Đức nên việc mua bán khá thuận lợi.
Không biết chợ Hương An hình thành từ bao giờ nhưng chắc đã khá lâu bởi vùng đất Ngũ Hương (gồm Hương Quế, Hương Lộc, Hương An, Hương Yên, Hương Lư - nay thuộc 2 xã Hương An và Quế Phú) này xuất hiện khá sớm trong hành trình mở cõi về phương Nam nhờ công sức của danh tướng Phạm Nhữ Tăng dưới triều vua Lê Thánh Tông.
Một thời, chợ Hương An là nơi tập trung người tứ xứ: Tân An, Việt An, Đông Phú, Chợ Đàng, Bình Giang, Hà Lam… Theo bước chân người, hàng hóa cũng về theo. Các loại nông sản, lâm sản, cau trầu từ miền ngược đổ về. Lúa gạo từ các vùng phụ cận. Khoai sắn, rau quả từ Bình Phục, Bình Giang ngược lên… Mùa nào thức nấy, quanh năm không thiếu thứ gì nhưng lúa gạo thì mùa nào cũng có.
Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), dường như có bao nhiêu chuối, người ta đều mang về chợ Hương An; rồi lá mùng 5, đường bát, các loại bánh trái, gà vịt… Rằm tháng 7, rằm tháng 10, chợ Hương An đầy các loại bánh trái, hoa quả. Đông đúc nhất vẫn là những ngày áp Tết nguyên đán. Chợ Hương An biến thành chợ đầu mối tập trung hàng hóa chuyển ra Đà Nẵng hay vào Tam Kỳ. Người đông, chợ lấn ra cả quốc lộ.
Vùng xung quanh Hương An - nhất là khu vực Hương Yên, Bình Phục, Bình Giang - toàn cát trắng nhưng lại giữ được nước. Từ lâu, vùng này chuyên canh khoai lang, sắn dây, khoai môn, đậu phộng, hành, hẹ… Nhờ vậy, chợ Hương An có đủ chủng loại rau củ: môn, đậu cô-ve, đậu đũa, sắn dây, khổ qua, hành, kiệu, hẹ... Môn thu hoạch về được giũ sơ cho bớt cát rồi gánh lên chợ, bán theo bụi hay từng thúng. Đậu cô-ve bán theo mớ. Đậu đũa bán theo bó, có khi từng rổ. Sắn dây bán theo củ hoặc chùm. Hành, kiệu, hẹ kẹp bằng lạt tre, bán theo kẹp hay theo chục.
Những ngày cận Tết, hành, hẹ, kiệu xếp sắp lớp ở chợ Hương An trông thật vui mắt. Củ cải cũng kẹp từng bó, người ta mua về lấy củ muối làm món nhấm - cùng củ kiệu - ăn với thịt heo trong mấy ngày Tết cho bớt ngán, lá thì muối làm dưa ăn quanh năm. Rồi rau húng, rau răm, cải tần ô…, thứ bán theo kẹp, thứ theo mớ.
Ngày trước, có lẽ vì khổ cực quanh năm nên người ta thường sắm Tết rất nhiều, đôi khi ê hề không dùng hết. Hơn nữa, ngày Tết con cháu về đông nên cần phải sắm mọi thứ nhiều hơn hẳn ngày thường để phần ăn, phần cúng. Vì thế, mua đồ Tết là công việc không thể thiếu và tốn khá nhiều thời gian.
Tết đến, thiếu gì thì thiếu, nhà nào cũng phải đi chợ Hương An mua vài bụi môn để nấu canh với xương hoặc nấu món "môn đặc" bày trong mâm cúng. Dưa món là thức ăn "chiến lược" dùng với thịt heo, bánh tét, bánh chưng hoặc "ăn cho qua bữa" những ngày khác trong năm. Củ cải được gọt, cắt từng mẩu nhỏ như lóng tay; kiệu, hành, cà rốt được cắt rễ, lá, chỉ để lại phần củ. Tất cả được đặt lên nia phơi qua vài nắng cho héo để tạo độ giòn khi ăn rồi bỏ vào thẩu muối cùng nước mắm hoặc xì dầu.
Nhà có sẵn nếp nên người ở quê chỉ cần mua thêm ít đường bát và gừng để làm các loại bánh Tết. Thịt thì thường chia trong làng hoặc mổ heo nhà, khi thiếu mới phải mua ở chợ. Tuy vậy, trong những ngày giáp Tết, thịt thà vẫn là các gian hàng đông khách ở chợ Hương An.
Ngày Tết một thời, bọn trẻ chúng tôi xúng xính áo quần sắc màu rực rỡ mua từ chợ Hương An. Hồi ấy, chúng tôi chỉ chực mẹ mua áo quần từ chợ về là mặc thử liền, không nhất thiết có vừa hay không, chỉ cần mới là thấy sướng rồi…
Một ngôi chợ quê nho nhỏ mà thứ gì cũng có, nhất là dịp Tết, cứ như là chợ… Thạch Sanh! Hương An hưng thịnh nhất trong những năm 1960-1990. Trước năm 1975, người ta thường nhắc đến cụm từ "Lâm, Kinh, Dương, Sự" - tên 4 người giàu nhất Hương An một thời nhờ kinh doanh nông cụ, xăng dầu, hàng hóa… quanh chợ.
Bây giờ siêu thị, cửa hàng phát triển khắp nơi, các nhu cầu đều có thể nhanh chóng được đáp ứng nên vai trò của chợ truyền thống không còn quan trọng như trước. Chợ Hương An đã được quy hoạch sang địa điểm mới, rộng rãi hơn nhưng vai trò của nó đã thu hẹp rất nhiều. Những nét độc đáo của chợ Hương An ngày xưa, nhất là dịp Tết, chỉ còn lại trong ký ức của một số người từng sống với một thời cực thịnh của xứ chợ này.
Một ngôi chợ quê nho nhỏ mà thứ gì cũng có, cứ như là chợ… Thạch Sanh.
Bình luận (0)