Theo kế hoạch của Chính phủ, trong thời gian tới, cùng với việc tự sản xuất, quốc gia sẽ dần dần nhập đủ vắc-xin để tiêm phòng cho toàn dân. Cuộc chiến chống dịch bệnh bắt đầu từ giai đoạn ứng phó, tiếp đến là phòng chống và nay vào giai đoạn kế tiếp là chủ động tấn công để không còn phải hãi sợ với virus và tập trung toàn lực ổn định xã hội, phát triển kinh tế.
Kế hoạch của Chính phủ vững chắc và trở thành một trong những kinh nghiệm phòng chống Covid-19 điển hình để nhiều quốc gia tham khảo. Hàng loạt quốc gia cũng đang gấp rút sản xuất vắc-xin Covid-19 nhưng do nhu cầu toàn cầu quá lớn nên đây trở thành một cuộc đua không chỉ về sản xuất mà còn về hợp đồng nhập khẩu. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Song song với kế hoạch vĩ mô của Chính phủ, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã rất sẵn sàng chi tiền để mua vắc-xin để phục vụ nhu cầu nội bộ. Giá vắc-xin cũng không quá đắt đến mức khiến phải chùn tay. Mà có đắt mấy cũng đáng mua, bởi đó là sinh mệnh con người.
Xã hội hóa việc chi tiền mua vắc-xin đã là câu chuyện hiện thực và nhất thiết tiến hành để đẩy nhanh quá trình ứng phó chủ động với Covid-19. Nhiều quốc gia đã làm và thực tiễn cho thấy không có nhiều vướng mắc sau những e dè ban đầu. Trong cuộc họp của Chính phủ về phòng chống Covid-19 vào ngày 24-2, việc xã hội hóa nhập khẩu vắc-xin cũng đã được đặt ra. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định cơ quan này đang xây dựng kế hoạch xã hội hóa và huy động các nguồn lực phục vụ việc cung cấp vắc-xin phòng Covid-19 một cách nhanh nhất, rộng nhất.
Xã hội hóa, hay nói cách khác người dân, doanh nghiệp có điều kiện tự bỏ tiền mua vắc-xin cũng không phải là vấn đề quá lớn. Chung tay cùng nhà nước bằng cách đóng góp tài chính để mua vắc-xin phòng dịch cho cộng đồng còn là hành động nhân văn. Những lo lắng về sự tiếp cận vắc-xin của những nhóm người yếu thế, thiếu điều kiện kinh tế cũng không quá đáng ngại, bởi Chính phủ đã có kế hoạch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 miễn phí cho toàn dân.
Mọi kế hoạch từ Chính phủ, các bộ, ngành và đến cả người dân đều đang vận hành rất tốt. Những ngóng đợi về vắc-xin ngừa Covid-19 cũng theo đó lớn dần nên cần đẩy nhanh hơn nữa các kế hoạch xã hội hóa mua vắc-xin. Dịch bệnh hoành hành hằng ngày nên càng chậm trễ công tác này thì chúng ta càng đối diện với nhiều rủi ro, đồng thời càng làm chậm kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế. Chúng ta cũng không quá dè dặt với kinh nghiệm ứng phó khi mở ra kế hoạch xã hội hóa, bởi đã có nhiều quốc gia đã và đang thực hiện. Nói cho cùng, có kinh nghiệm nào mà không trải qua thực tế, thậm chí là phải trả giá. Huống gì, đây là giai đoạn cam go, sức khỏe của người dân bị đe dọa từng ngày.
Chúng ta đã thành công khi ngăn chặn được dịch bệnh, và ở giai đoạn tấn công này, khi có được vắc-xin thì mỗi người dân sẽ là mỗi pháo đài trước virus SARS-CoV-2 trong trận tuyến toàn diện của quốc gia.
Bình luận (0)