Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên của châu Á được tiếp cận với vắc-xin Covid-19 sau khi lô vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca gồm 117.600 liều đầu tiên có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất vào sáng 24-2.
Huy động nhiều đơn vị tham gia
Bộ Y tế vừa có cuộc họp về việc triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam. Theo GS-TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, về đối tượng ưu tiên tiêm, các bên thống nhất sẽ thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ, bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận vắc-xin phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh. "Việt Nam mong muốn được tiếp cận với nguồn vắc-xin bảo đảm chất lượng, giá hợp lý, bảo quản theo điều kiện của các vắc-xin thông thường mà Việt Nam đang có" - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết đã giao các đơn vị chuyên môn liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với từng giai đoạn tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Tại cuộc họp về tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 diễn ra ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam với hơn 100 triệu liều. Bộ Y tế đang khẩn trương chuẩn bị các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong và ngoài ngành y tế tham gia vào chiến dịch để đẩy nhanh tiến độ tiêm, bảo đảm độ bao phủ, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh bất cứ vắc-xin nào cũng không thể bảo đảm được độ an toàn 100%, nhất là vắc-xin phòng Covid-19 mới được phát triển trong thời gian ngắn. Do đó, việc theo dõi đánh giá phản ứng sau tiêm rất quan trọng. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn đánh giá và phải tiếp tục làm rõ để không gây hoang mang trong người dân với những phản ứng sau tiêm. Bộ Y tế đã phân công tất cả các đơn vị tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng; xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm, theo dõi sau tiêm và đánh giá hiệu quả của vắc-xin sau tiêm.
GS-TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, chủ trì buổi làm việc với đại diện WHO và UNICEF tại Việt Nam về vắc-xin phòng Covid-19 Ảnh: TRẦN MINH
Sau khi 117.600 liều vắc-xin đầu tiên về tới sân bay Tân Sơn Nhất vào sáng 24-2, Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên của châu Á được tiếp cận với vắc-xin Covid-19. Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam, cho biết những liều vắc-xin đầu tiên này đã được WHO tiền thẩm định chất lượng và sẽ trải qua quy trình kiểm định chất lượng cuối cùng trước khi được bàn giao cho Bộ Y tế để tiêm cho các nhóm ưu tiên. Sau khi tiêm liều đầu tiên, vắc-xin có hiệu lực bảo vệ 76% trong 90 ngày và hiệu lực bảo vệ không suy giảm đáng kể trong khoảng thời gian này. Hiệu lực vắc-xin sau khi tiêm nhắc liều thứ hai đạt được cao hơn nếu kéo dài khoảng cách so với liều số một, đạt 81% khi khoảng cách giữa 2 liều tiêm kéo dài đến 12 tuần trở lên. Đối tượng sử dụng là từ 18 tuổi trở lên. Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc-xin của AstraZeneca bảo vệ 100% khỏi: Bệnh nặng, nhập viện và tử vong từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên.
Các phân tích cũng cho thấy vắc-xin có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng. Vắc-xin của AstraZeneca đã được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại hơn 50 quốc gia và WHO cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin này nhằm đẩy nhanh quá trình tiếp cận vắc-xin cho hơn 145 quốc gia thông qua cơ chế COVAX Facility.
Tiêm "cuốn chiếu" từng địa phương
Để chuẩn bị cho việc tiêm chủng số lượng lớn vắc-xin Covid-19, Bộ Y tế cho biết tất cả cơ sở y tế công lập sẽ tham gia, đồng thời huy động lực lượng sinh viên các trường y tế để tổ chức tiêm tại các điểm ngoài trạm y tế và các điểm lưu động.
PGS-TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia - kế hoạch tiêm chủng sẽ được tổ chức với hình thức chiến dịch nhưng không triển khai đồng loạt trên toàn quốc cho tất cả đối tượng mà sẽ tổ chức tiêm "cuốn chiếu" tại các địa phương, cho từng nhóm đối tượng phù hợp với tiến độ cung ứng vắc-xin. Theo bà Hồng, hiện hệ thống bảo quản vắc-xin của Việt Nam bao gồm dây chuyền lạnh trong tiêm chủng mở rộng ở các tuyến và các cơ sở tiêm chủng dịch vụ có khả năng đáp ứng đủ dung tích bảo quản để triển khai chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng. Hệ thống tiêm chủng đang triển khai trên toàn quốc với khoảng hơn 13.000 cơ sở gồm tiêm chủng mở rộng tại xã, phường; điểm tiêm chủng tại bệnh viện và các cơ sở tiêm chủng dịch vụ bảo đảm đủ điều kiện tiêm chủng.
Cũng theo PGS Dương Thị Hồng, nhân lực tham gia đều được tập huấn kỹ để bảo đảm tổ chức buổi tiêm chủng. Trong năm 2020, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã được tập huấn hướng dẫn cho cán bộ tiêm chủng toàn quốc về tiêm chủng an toàn và phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2... Tuy nhiên, vắc-xin Covid-19 là vắc-xin mới, do vậy, cán bộ tiêm chủng sẽ được tập huấn về việc sử dụng vắc-xin và theo dõi xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng... Trang thiết bị phòng, chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng (nếu có) cũng được trang bị đầy đủ tại các điểm tiêm chủng.
Một số địa phương được mua vắc-xin theo phương thức xã hội hóa
Ngày 25-2, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 ngày 24-2.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ về việc mua, sử dụng vắc-xin Covid-19; làm đầu mối thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ vắc-xin Covid-19; có phương án phù hợp, không để xảy ra ách tắc về thủ tục trong thực hiện việc này. Phối hợp với Bộ Ngoại giao (nhất là với các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài) trong việc tiếp cận nguồn cung vắc-xin. Bộ Y tế nhanh chóng tổ chức tiêm vắc-xin, trước hết cho các đối tượng ưu tiên theo nghị quyết của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục rà soát, thúc đẩy đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó quán triệt tinh thần chủ động, tích cực, không chủ quan, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tại Hải Dương, Hải Phòng và sớm xử lý dứt điểm các ổ dịch hiện có.
Đáng chú ý, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của một số địa phương (như Hà Nội, Hải Phòng…) về việc mua vắc-xin theo phương thức xã hội hóa như tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và của Thủ tướng Chính phủ; giao Bộ Y tế hướng dẫn kịp thời, cụ thể.
T.Dũng
Giá thành vắc-xin Nanocovax: 120.000 đồng/liều
Ngày 25-2, tại TP HCM, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Hội đồng Đạo đức (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc với Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen (viết tắt Công ty Nanogen) để đánh giá quy trình sản xuất, hệ thống kiểm soát chất lượng vắc-xin Nanocovax thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Ông Hồ Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Nanogen, cho hay giá thành vắc-xin phòng chống Covid-19 của công ty khi đưa vào sử dụng sẽ khoảng 120.000 đồng/liều. Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, cho biết quan điểm của Chính phủ là ưu tiên sản xuất vắc-xin trong nước, đây là mang tính bền vững, chủ động chống dịch.
Tối cùng ngày, Bộ Y tế cho biết Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã họp và nhất trí đề xuất Bộ Y tế phê duyệt cho 2 vắc-xin phòng Covid-19, bao gồm vắc-xin của Công ty Moderna (Mỹ) và vắc-xin của Công ty JSC Generium (Nga) để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Dự kiến sáng nay (26-2), Hà Nội và Long An sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm vắc-xin Nanocovax giai đoạn 2 cho 560 tình nguyện viên (tuổi 18-65, đã được sàng lọc kỹ lưỡng trước đó). Theo ông Quang, sở dĩ Bộ Y tế và Viện Pasteur chọn Long An bởi địa phương này có hệ thống cơ sở y tế rất hoàn chỉnh từ tỉnh, huyện đến xã. Các cán bộ y tế ở đây cũng đã tham gia vào các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng từ trước đến nay nên có rất nhiều kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, Long An là tỉnh giáp với TP HCM, việc vận chuyển vắc-xin theo các điều kiện bảo quản, chuyển vắc-xin nghiên cứu hoặc các mẫu phân tích từ Long An về Viện Pasteur đều khá thuận lợi.
N.Thạnh - N.Dung - M.Sơn
Bình luận (0)